Từ nghiện game đến nghiện code (Thất bại là mẹ thành công)
Nội dung chính
Thông tin về tác giả:
Anh Trần Quốc Toản đã có gần 3 năm làm việc trong lĩnh vực Web development (chủ yếu là backend) và gần 2 năm trong lĩnh vực AI (chủ yếu về phần xử lý ngôn ngữ tự nhiên). Hiện đang giữ vị trí AI Engineer tại Công ty Cổ phần chứng khoán VPS.
Tác giả tự giới thiệu mình là một chàng trai may mắn tìm lại được mục tiêu, ý nghĩa của cuộc đời mình.
Các thành tích/ giải thưởng từng đạt được:
– Đạt giải 3 cuộc thi Hackathon VinID năm 2019
– Top 15 cuộc thi Predict The Data Scientists Salary In India Hackathon năm 2020
– Giải nhì cuộc thi Hackathon Yody năm 2022
– Tham gia phát triển thành công Chatbot cho công ty chứng khoán VPS giúp tối ưu và tiết kiệm nguồn nhân lực phục vụ khách hàng
Những năm tháng chập chững bước chân lên đại học với tôi là chuỗi ngày vô cùng tồi tệ. Sự tự hào về thành tích trúng tuyển Đại học, một môi trường mới, con người mới, cùng tư duy “Đại học là để hưởng thụ” đã biến tôi thành một đứa nghiện game từ lúc nào.
Kết quả là cuối kỳ sau năm Nhất, lần đầu tiên – tôi trượt môn. Nhưng tôi không quan tâm, cuộc sống ảo làm tôi thoải mái. Tôi chính thức bỏ bê việc học.
Cơ hội để thay đổi
Vào một ngày hè nắng nóng, lần đầu tiên tôi rời quán game và đi về lớp tham dự buổi tuyển sinh lớp lập trình của “tiền bối” trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; và cũng không hiểu vì sao, tôi trúng tuyển. Anh chỉ dạy cho tôi từ con số 0, anh khiến tôi tôi càng hứng thú với chuyên ngành của mình. Nó không khô khan, không nhàm chán như tôi đã từng nghĩ, nó bổ ích hơn những trận game ngày trước và đã giúp tôi tìm được cơ hội để thay đổi.
Thành tích học tập cải thiện, khiến tôi càng có động lực hơn để hăng say với việc quyết tâm trả nợ hết môn. Tôi “cày” gần 40 tín chỉ một kỳ, cả ngày học ở trường, tối tới lớp luyện lập trình…hôm nào cũng đến đêm mới về nhà.
Thời gian đó, tôi bắt đầu có những mục tiêu, những ý tưởng, sự lạc quan để làm việc, hình thành niềm đam mê của mình.
Cuộc thi lập trình Hackathon do VinID tổ chức là cơ hội đầu tiên thử thách bản thân tôi.
Không lựa chọn cách làm bài truyền thống như các đội bạn, đội tôi có một bài thuyết trình khá hài hước, và đạt được giải Ba trong cuộc thi – kết quả mà lần đầu tiên tôi có được sau bao năm đèn sách. Lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác tự hào như vậy.
Cùng năm đó, đội chúng tôi thành lập ra học viện đào tạo lập trình PlusPlus Academy, và tôi tham gia quá trình giảng dạy, đào tạo tại đây. Tôi cũng tham gia một số cuộc thi trên Kaggle, HackerRank, MachineHack… và cũng đạt thành tích. Tất cả đã giúp tôi có những kinh nghiệm thực tế – thứ mà trường lớp và sách vở không đem lại nhiều cho tôi.
Tốt nghiệp Đại học, tôi quyết định đầu quân cho một công ty – nơi có một môi trường tốt, một công việc đúng với chuyên ngành của tôi – Công ty Cổ phần chứng khoán VPS, tại vị trí AI Engineer thuộc team NLP (Natural language processing – Xử lý ngôn ngữ tự nhiên), nhiệm vụ chính là làm chatbot.
Và, dự án đầu tiên trong đời tôi đã được triển khai đến người dùng cuối.
Giải Nhì cuộc thi Hackathon do Yody là thành tích tiếp theo khi làm việc ở VPS.
Sau đó, tôi cũng tham gia một số dự án khởi nghiệp ở Openbot.vn một tổ chức Phi lợi nhuận bằng cách nghiên cứu và ứng dụng AI vào giải quyết các vấn đề cho các doanh nghiệp và tổ chức.
Giờ đây, tôi không còn có lý do để lung lay suy nghĩ về năng lực cũng như con đường đã chọn. Vẫn còn là quá sớm để nói đến hai chữ “về đích”, nhưng tôi chắc chắn mình đang bước những bước đi đầu tiên trên con đường này, bởi lẽ, tôi nên tự hào khi nhìn lại chặng đường mình đã đi qua.
Sau tất cả, sự kiên trì ở đây, đam mê của tôi ở đây và tôi, cũng sẽ ở đây…
* Câu chuyện đã được sự đồng thuận xuất bản của tác giả và được hiệu chỉnh theo chuẩn văn bản từ ITviec.
Cuộc thi viết “Từ Ao làng đến Out trình”
“Từ Ao làng đến Out trình” là một sân chơi hoàn toàn mới mẻ dành cho cộng đồng công nghệ Việt Nam. Tham gia cuộc thi, các anh chị em IT vừa có thể chia sẻ câu chuyện nghề riêng biệt của mình, vừa nhận về nhiều giải thưởng hấp dẫn và giá trị. Cuộc thi do ITviec tổ chức, thời gian nhận bài thi từ ngày 24.6.2022 đến 29.7.2022, nhằm kỷ niệm 9 năm ITviec kết nối Nhân Sự IT “Chất” đến Job “Chất”.