Chắc hẳn bạn đang hoặc đã từng trải nghiệm chơi game trên một trong những hệ điều hành thông dụng nhất, Android. Để lập trình ra một trò chơi trên Android không phải là một quá trình dễ dàng khi các tổ chức phát triển buộc phải tuân theo những luật lệ và quy tắc riêng biệt của hệ điều hành này. Vậy thì, câu hỏi được đặt ra nhiều nhất với các lập trình viên mới bắt đầu là: Học lập trình game Android từ đâu và như thế nào? Cùng ITviec tìm câu trả lời trong bài viết này nhé!

Bài viết sẽ giúp bạn hiểu thêm về:

  • Tổng quan về hệ điều hành Android
  • Lộ trình học lập trình game Android cho người mới bắt đầu kèm tài liệu tham khảo

Tổng quan về hệ điều hành Android

Android là hệ điều hành sở hữu lượng người dùng rộng lớn với mật độ phủ sóng dày trên đa dạng các thiết bị từ phiên bản điện thoại đến máy tính. Đối với lập trình game, hệ điều hành này là sự lựa chọn lý tưởng và ưu tiên của nhiều lập trình viên nhờ vào:  

  • Giao diện người dùng mượt mà và trực quan
  • Dịch vụ Google Play lớn, hiệu quả và linh hoạt với đa dạng các tính năng tương tác
  • Dễ dàng tùy chỉnh cấu trúc
  • Phần cứng của nền tảng thân thiện với các lập trình viên ở mọi cấp độ

Đáng nói, các tính năng trò chơi của Android đều được quản lý bởi Dịch vụ trò chơi của Google Play (Google Play Games Services).

Với các dịch vụ này, lập trình viên có thể thêm các tính năng để tăng tính tương tác vào trò chơi, phân tích số liệu của người chơi và tích hợp đa nền tảng trên nhiều thiết bị, bao gồm cả việc phân phối trò chơi Android cho các PC Windows và các thiết bị di động.

Không đơn giản chỉ vì giao diện dễ dùng và đa dạng thiết bị mà Android được nhiều tổ chức phát triển chọn để lập trình game. Hơn thế nữa là vì các công cụ lập trình và API (Application Programming Interface – Giao diện lập trình ứng dụng) đều được hệ điều hành này cung cấp miễn phí cho mọi tổ chức để tối ưu trò chơi một cách hiệu quả nhất. 

​​Sự hỗ trợ này sẽ giúp phân tích hiệu suất trò chơi, xác định giới hạn của thiết bị, đồng thời gỡ rối những ‘điểm nghẽn’ để giúp trò chơi phát triển bền vững. Dưới đây là các công cụ và API nổi bật cho lập trình game Android cung cấp bởi dịch vụ từ Google Play:

  • Android GPU Inspector (AGI): Công cụ lập hồ sơ đồ họa của Android cho phép theo dõi và phân tích các GPU nâng cao của các trò chơi và ứng dụng chuyên sâu về đồ họa.
  • Android Performance Tuner (APT): Giúp xác định các vấn đề về hiệu suất liên quan đến cài đặt độ chân thực và chất lượng đồ hoạ, cảnh, thời gian tải và loại thiết bị khi chơi.
  • Android Dynamic Performance Framework (ADPF): Tối ưu hóa hiệu suất trò chơi thông qua các tính năng quản lý nhiệt, CPU và GPU động của từng thiết bị.
  • Memory Advice API: Có khả năng ước tính mức bộ nhớ sử dụng và cảnh báo khi chạm ngưỡng để trò chơi duy trì hiệu suất tối ưu, hạn chế Low Memory Killer (LMK).
  • Game Mode API: Tối ưu hóa trải nghiệm người chơi bằng cách ưu tiên các đặc điểm như hiệu suất hoặc thời lượng pin dựa trên cài đặt của người dùng hoặc cấu hình cụ thể của trò chơi.
  • Perfetto: Công cụ thu thập và phân tích dữ liệu về hiệu suất và hiển thị thông tin này qua giao diện web dưới dạng UI để điều chỉnh hiệu suất ứng dụng phù hợp.
  • Systrace: Ghi chú lại hoạt động của hệ thống và chuyển đổi thành các bảng báo cáo dữ liệu hỗ trợ xác định các vấn đề liên quan đến hiệu suất.
  • CPU Profiler: Theo dõi hoạt động và lượng CPU sử dụng theo thời gian thực hoặc từ các dấu vết được ghi lại.
  • Báo cáo lỗi: Phần báo cáo lỗi trên Android Studio hướng dẫn cách tạo và phân tích báo cáo lỗi từ thiết bị Android để giúp xác định và khắc phục sự cố khi xảy ra.

Lộ trình học lập trình game Android cho người mới bắt đầu

Vậy là một lập trình viên mới bắt đầu, câu hỏi được đặt ra là học lập trình game Android từ đâu với đầy đủ tài liệu hướng dẫn một cách dễ hiểu nhất? Sau đây là những phần trong lộ trình học lập trình game Android bạn cần biết:

Về ngôn ngữ lập trình game Android

Hệ sinh thái iOS sử dụng Swift làm ngôn ngữ chính để lập trình các ứng dụng. Còn với game Android, Java hiện đang là ngôn ngữ phổ biến nhất. 

Google đã chọn Java làm ngôn ngữ chính thức cho việc phát triển ứng dụng trên Android, với sự tích hợp mượt mà và hỗ trợ tốt từ Android SDK và các công cụ phát triển khác của Google. Ngoài ra, cấu trúc đơn giản và dễ học của Java làm cho nó trở thành lựa chọn lý tưởng cho các lập trình viên mới bắt đầu. Độ tin cậy cao và tính bảo mật của Java cũng là yếu tố quan trọng, giúp đảm bảo trò chơi được xây dựng với mức độ tin cậy cao trên Android. 

Bên cạnh đó là ngôn ngữ cạnh tranh không kém Java – Kotlin. Ngôn ngữ này đã trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu cho lập trình game Android từ khi được Google chính thức xác nhận vào năm 2017. 

Kotlin được đánh giá cao nhờ vào sự chính xác và cú pháp ngắn gọn, cho phép các lập trình viên có thể tự viết mà không cần phụ thuộc vào các cấu trúc mã có sẵn. Khả năng tương tác mạnh mẽ với Java cũng là một lợi thế lớn của Kotlin khi ngôn ngữ này tái sử dụng các thư viện Java hiện có và dễ dàng chuyển đổi dự án từ Java sang Kotlin. Tiện ích mở rộng và hỗ trợ coroutine cũng là những điểm mạnh của Kotlin, giúp đơn giản hóa quá trình phát triển và nâng cao hiệu quả xử lý đồng thời của trò chơi.

Ngoài ra, Flutter được phát triển bằng Google cũng framework mạnh mẽ được ưu tiên trong việc xây dựng các ứng dụng đa nền tảng, bao gồm cả game, từ một cơ sở mã duy nhất bằng ngôn ngữ Dart.

Tuy nhiên, quy trình xây dựng cấu trúc mã của Flutter cũng khá phức tạp, không phù hợp với người mới bắt đầu. Dù vậy, bạn vẫn có thể bắt đầu học Flutter từ những khái niệm cơ bản nhất.

Dù vậy, để quá trình lập trình game Android được nhanh và đơn giản hơn, các lập trình viên nên tận dụng các công cụ lập trình như Unity hay Android Studio. Những công cụ này thường cung cấp các mẫu cấu trúc code sẵn có được viết bằng nhiều loại ngôn ngữ đa dạng như C++, C#, Python hay Java, nhà phát triển chỉ cần tận dụng cũng như tuỳ chỉnh dựa theo cấu trúc trò chơi của mình.    

Về công cụ lập trình game Android

Android Studio là tổ hợp của các công cụ lập trình game riêng biệt của Android giúp hỗ trợ xây dựng cấu trúc trò chơi phù hợp với cơ chế của hệ điều hành. Nổi bật nhất phải kể đến Bộ công cụ hỗ trợ lập trình game Android (Android Game Development Kit – AGDK) với các tính năng riêng biệt như:

  • Cấu trúc code dành riêng cho lập trình game: Tất cả các thư viện của AGDK đều được thiết kế và thử nghiệm kỹ lưỡng tập trung tối ưu hiệu suất, sử dụng các API với ngôn ngữ C hoặc C++ (thông dụng để lập trình game Android).
  • Giảm sự phân mảnh: Các công cụ và thư viện của AGDK hoạt động trên nhiều phiên bản Android khác nhau, đảm bảo hầu hết các tính năng sẽ hoạt động trên hầu hết mọi thiết bị đang được sử dụng hiện nay.
  • Được xây dựng bởi Android và dành cho Android: Các tính năng sẽ được nâng cao đảm bảo phù hợp với các phiên bản cập nhật nền tảng Android trong tương lai và các thư viện sẽ cung cấp khả năng tương thích ngược khi có thể.

Ngoài ra, nếu bạn đang nhắm tới mở rộng trò chơi trên PC, bạn có thể sử dụng Google Play Games dành cho PC. Nền tảng này cung cấp trình giả lập hệ suất cao cho phép lập trình game trên thiều thiết bị Android và ChromeOS, tất cả trên một cơ sở mã duy nhất.

Có một lưu ý dành cho các lập trình viên là từ tháng 8 năm 2021, Google Play yêu cầu tất cả ứng dụng Android phải được gửi dưới dạng Android App Bundle và yêu cầu cấp độ API từ 30 trở lên.

Bên cạnh đó, nếu trò chơi của bạn có tính năng mua hàng trong ứng dụng (In-app purchase), đảm bảo rằng nó hỗ trợ Thư viện Google Play Billing (GPBL). Tùy thuộc vào công cụ lựa chọn, GPBL có thể được tích hợp trực tiếp,thông qua tiện ích bổ sung hoặc plugin.

Các công cụ phát triển của Android đều có khả năng tích hợp với các công cụ lập trình thứ 3 như Unity, Defold, Godot, v.v.. Dù vậy, khi lựa chọn một công cụ lập trình để sử dụng trên Android, bạn vẫn nên ưu tiên công cụ có khả năng tương thích cao với yêu cầu của Google Play và khả năng hỗ trợ các tính năng mặc định của Android. Dưới đây là một số công cụ lập trình nổi bật nhất: 

  • Defold: Một công cụ mã nguồn mở sử dụng ngôn ngữ lập trình Lua. Defold hỗ trợ rộng rãi cho các trò chơi và đồ họa 2D và hỗ trợ kết xuất các mô hình và lưới 3D. Công cụ này có các tính năng sửa lỗi và chỉnh sửa tập lệnh tích hợp.
  • Godot: Một công cụ mã nguồn mở phù hợp cho cả trò chơi 2D và 3D với khả năng hiển thị dựa trên vật lý và chiếu sáng toàn cầu. Godot hỗ trợ nhiều ngôn ngữ lập trình và có trình soạn thảo trực quan cho việc tạo và chỉnh sửa các nhân vật. .
  • Cocos Creator: Một công cụ đồ họa 2D và 3D đa nền tảng, nhẹ, miễn phí và mã nguồn mở. Cocos Creator có hiệu suất cao, tiêu thụ điện năng thấp, có phiên bản tải trực tuyến và xuất bản đa nền tảng, phù hợp cho nhiều dự án khác nhau từ trò chơi truyền thống đến metaverse.
  • Unity: Một công cụ trò chơi thương mại đã được sử dụng rộng rãi cho cả trò chơi 2D và 3D. Unity sử dụng ngôn ngữ lập trình C# và hỗ trợ plugin để giao tiếp với mã gốc.
  • Unreal Engine 4: Một game engine chuyên về các game 3D với đồ họa phức tạp. Unreal sử dụng hệ thống kịch bản trực quan Blueprint và hỗ trợ ngôn ngữ C++. 

Về khóa học lập trình game Android

Nếu bạn hỏi học lập trình game Android từ đâu? Câu trả lời chính xác sẽ là từ những khoá học được xây dựng và chứng nhận bởi Android. 

Đây là một số khoá học hoàn toàn miễn phí theo từng cấp độ lập trình mà bạn có thể tham khảo:

Về cộng đồng

Với lượng người dùng khổng lồ, không quá bất ngờ khi Android sở hữu một cộng đồng các lập trình viên lớn nhất nhì thế giới. Vì vậy, câu trả lời dành cho câu hỏi học lập trình game Android từ đâu có phần hiển nhiên trong trường hợp này. 

  • Android Developers Blog: Đây là nguồn tài liệu chính thức từ Google dành cho các nhà phát triển game trên nền tảng Android, cung cấp các bài viết, hướng dẫn và tin tức cập nhật về các công nghệ và công cụ mới nhất. Tất cả đều miễn phí. 
  • Google Play Developer Help Community: nền tảng trực tuyến hỗ trợ các nhà phát triển ứng dụng và game trên Google Play, cung cấp tài liệu hướng dẫn và giải pháp. Đây là nơi để chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng lập trình viên.
  • Báo cáo MMORPG: Báo cáo MMORPG của Google Play cung cấp thông tin chi tiết về hiệu suất và xu hướng của các trò chơi nhập vai trực tuyến với nhiều lượt tải nhất trên Cửa hàng Google Play. Báo cáo bao gồm dữ liệu về nhân khẩu học của người chơi, mức độ tương tác, doanh thu và các tựa game phổ biến trong thể loại này. Mục tiêu của báo cáo là giúp các nhà phát triển hiểu rõ hơn về động lực thị trường, xác định cơ hội tăng trưởng và tối ưu hóa trò chơi để đạt hiệu suất và trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các câu hỏi thường gặp về học lập trình game Android

Học lập trình game Android như thế nào?

Học lập trình game Android bằng cách học Java/Kotlin, sử dụng Android Studio, và tìm hiểu các thư viện hỗ trợ như LibGDX hoặc Unity.

Ngoài ra, bạn cũng nên tham gia các khóa học trực tuyến, đọc tài liệu chính thức từ Google, hay thực hành qua việc xây dựng các dự án nhỏ để áp dụng kiến thức một cách thực tiễn. 

Bạn có thể tạo lập trình game bằng Android Studio không?

Có, bạn có thể phát triển game bằng Android Studio. Android Studio là môi trường phát triển tích hợp (IDE) chính thức của Google cho phát triển ứng dụng Android, bao gồm cả game. Nó cung cấp các công cụ và thư viện cần thiết để thiết kế, mã hóa, và kiểm thử game trên nền tảng Android.

Ngôn ngữ nào được sử dụng khi lập trình game Android?

Ngôn ngữ chính được sử dụng khi lập trình game cho Android là Java và Kotlin. Java đã lâu được sử dụng rộng rãi trong phát triển ứng dụng Android, bao gồm cả game.

Ngoài ra, Kotlin – một ngôn ngữ lập trình khác của JetBrains – cũng được hỗ trợ và được sử dụng ngày càng phổ biến trong việc phát triển game trên nền tảng Android sau khi Google công bố vào năm 2017.

Tham khảo: Top 10 ngôn ngữ lập trình nên học trong năm 2024

Bộ công cụ lập trình game Android là gì?

Bộ công cụ lập trình game Android (ADGK) là một phần mềm hỗ trợ phát triển game trên nền tảng Android. Nó bao gồm các công cụ như Android Studio, Unity, và Unreal Engine, cung cấp IDE và thư viện để thiết kế, phát triển và triển khai game trên thiết bị di động chạy hệ điều hành Android.

Tổng kết lộ trình học lập trình game Android

Học lập trình game Android từ đâu? Sau bài viết này, chắc hẳn bạn đã có được ít nhất một nguồn để bắt đầu lộ trình. Không khó để có thể tìm kiếm thông tin và kiến thức về cách học lập trình game Android, thậm chí là từ những nguồn chính thống như Google. Tuy nhiên, lượng thông tin khổng lồ trên mạng cũng yêu cầu các lập trình viên phải chọn lọc thật kỹ giữa tin đúng và tin sai, tin cũ và tin mới. Từ đó có thể xây dựng cho mình một lộ trình học game Android chuẩn chỉnh và phù hợp với nhu cầu bản thân nhất.