ChatGPT là một “cú nổ truyền thông” của lĩnh vực AI cuối năm 2022, khiến thế giới nhận ra công nghệ trí tuệ nhân tạo đã tiến xa như thế nào. Nhưng ChatGPT có thể chỉ là bước khởi đầu của một cuộc cách mạng lớn hơn nhiều. Cùng ITviec tìm hiểu cách sử dụng, những sự thật thú vị, dự đoán về ChatGPT và cập nhật thông tin về GPT-4 – “thế lực” được cho là còn đáng gờm hơn gấp nhiều lần ChatGPT nhé.

Đọc bài viết này để:

  • Hiểu tổng quan về ChatGPT
  • Cập nhật về model GPT-4 vừa được OpenAI giới thiệu
  • Tham khảo góc nhìn đa chiều về ChatGPT và ảnh hưởng của nó đến các ngành nghề
  • Có thêm ý tưởng ứng dụng ChatGPT cho chính mình

Tham khảo: Việc làm AI/ Machine Learning trên ITviec

ChatGPT là gì?

Cách nhanh nhất để hiểu “ChatGPT là gì?” là đi hỏi… chính nó. Và đây là cách ChatGPT tự giới thiệu về mình:

chatgpt-la-gi chatgpt-la-gi-1

Cụ thể hơn, ChatGPT là một chatbot AI hoạt động theo mô hình xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing), dựa trên mã nguồn mở GPT-3.5 của OpenAI. Được đào tạo từ nguồn dữ liệu lớn, ChatGPT có khả năng đàm thoại, trả lời câu hỏi một cách tự nhiên như con người, thậm chí nó có thể nhận lỗi khi sai và từ chối các yêu cầu không phù hợp.

Đọc thêm: Machine Learning là gì?

Vì sao ChatGPT có thể giao tiếp tự nhiên với con người?

ChatGPT được tối ưu hóa cho việc đàm thoại. Nó có thể hiểu ngữ cảnh, ghi nhớ thông tin người dùng nói, dự đoán nhu cầu của họ để đưa ra các phản hồi chính xác nhất. 

Để làm được điều này, ChatGPT được đào tạo bằng phương pháp Học tăng cường từ phản hồi của con người (RLHF – Reinforcement Learning from Human Feedback). ChatGPT có thể giao tiếp tự nhiên vì nó học dựa trên một lượng lớn dữ liệu do chính con người tạo ra.

chatgpt-la-gi-2

ChatGPT có thể nhận ra một yêu cầu vô lí và phản hồi dưới dạng thông tin giả định

Lịch sử phát triển của ChatGPT

  • Tháng 6/ 2018, OpenAI bắt đầu phát triển GPT (Generative Pre-Train Transformer – Bộ chuyển hoá Được đào tạo trước Có khả năng tạo mới).

Tìm hiểu thêm: Transformer là một kiến ​​trúc mạng thần kinh (neural network) dựa trên cơ chế tự chú ý, được giới thiệu trong một ấn phẩm của Google vào năm 2017. Theo đó, Google tin rằng Transformer đặc biệt phù hợp để hiểu ngôn ngữ, giúp tăng tốc độ đào tạo máy học lên một mức độ cao hơn.

  • Từ đó, các phiên bản của GPT lần lượt được ra mắt. ChatGPT là một ứng dụng nổi bật của GPT-3:
Phiên bản Ra mắt Được đào tạo với Khả năng Hạn chế
GPT-1 Tháng 6/ 2018 Tập dữ liệu BooksCorpus và Common Crawl (các nội dung crawl trên mạng) Hiểu ngôn ngữ

– Có xu hướng phản hồi lặp lại khi dữ liệu nằm ngoài phạm vi đào tạo của nó. 

– Tính liên kết và trôi chảy chỉ giới hạn ở các chuỗi văn bản ngắn.

GPT-2 Tháng 2/ 2019 WebText (tập dữ liệu tự xây dựng từ các bài viết chất lượng trên Reddit) trong 1 tuần Tạo ra văn bản mạch lạc và chân thực giống như con người.

– Gặp khó khăn với các yêu cầu đòi hỏi suy luận và ngữ cảnh phức tạp.

– Chỉ xử lý tốt với các đoạn văn ngắn. 

GPT-3 Tháng 6/ 2020 Tập dữ liệu toàn diện gồm:

– WebText

– Common Crawl

– Wikipedia

– 2 tập dữ liệu từ sách là Books1, Books2

Hiểu ngữ cảnh của câu hỏi để tạo phản hồi thích hợp. 

Một số ứng dụng dựa trên GPT-3:

+ iPGT: tạo hình ảnh

+ DALL-E: tạo ảnh từ văn bản.

+ CLIP: kết nối văn bản và hình ảnh.

+ Whisper: chuyển giọng nói thành văn bản đa ngôn ngữ.

+ ChatGPT: chatbot trả lời câu hỏi.

Có thể trả về các phản hồi sai lệch, không chính xác hoặc không liên quan đến câu hỏi.
  • ChatGPT ra mắt vào tháng 11/ 2022, nhanh chóng đạt những kỷ lục ngoài mong đợi như: Đạt 100 triệu người dùng tích cực chỉ sau 2 tháng sau khi phát hành, trở thành ứng dụng dành cho người tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử.

lich-su-chatgpt

Lịch sử phát triển của các mô hình GPT

Những sự thật thú vị về ChatGPT

  • ChatGPT nhận được 10 triệu truy vấn mỗi ngày.
  • ChatGPT được đào tạo dựa trên kho dữ liệu văn bản khổng lồ (khoảng 570GB), bao gồm các trang web, sách và các nguồn khác.
  • Thời gian phản hồi của ChatGPT thường dưới 1 giây, khiến nó mang lại cảm giác của một cuộc hội thoại giữa người với người.
  • ChatGPT đã được tích hợp vào nhiều nền tảng và ứng dụng, bao gồm website, app nhắn tin, trợ lý ảo và các ứng dụng AI khác.
  • OpenAI đã cung cấp GPT-3 thông qua một API, cho phép các nhà phát triển tạo các ứng dụng AI của riêng họ.
  • Hiện tại, GPT-3 có 175 tỷ tham số, nhanh hơn gấp 10 lần so với trung bình các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nó.

Những lợi ích nổi bật của ChatGPT là gì? 

  • Tổng hợp và phân tích dữ liệu: Nhiều người dùng ngạc nhiên về độ chi tiết và hiệu quả của ChatGPT trong việc tìm kiếm, tổng hợp, thậm chí phân loại và xếp hạng thông tin.
  • Tóm tắt dữ liệu từ một văn bản dài thành một đoạn ngắn. Thậm chí nó có thể tóm tắt ý chính và insight người dùng thông qua dữ liệu đầu vào là một cuộc phỏng vấn rất dài.
  • Tạo văn bản: ChatGPT có thể tạo các nội dung mạch lạc về nhiều chủ đề, lĩnh vực và hình thức, từ các mẫu quảng cáo, văn bản kỹ thuật, thơ, truyện cho đến viết code,… Văn bản do ChatGPT tạo ra được đánh giá là khó phân biệt với văn bản do con người viết.
  • Dịch văn bản với nhiều ngôn ngữ khác nhau.
  • Đưa ra gợi ý: ChatGPT là nó không chỉ tổng hợp thông tin theo yêu cầu của người dùng, mà nó còn có khả năng dự đoán nhu cầu của người hỏi và đưa ra nhận định, gợi ý phù hợp.

Ví dụ ChatGPT có thể đưa ra gợi ý về:

– Dự đoán chân dung người dùng tiềm năng

– Phân tích đối thủ cạnh tranh

– Gợi ý cách thiết kế website theo các yêu cầu (ví dụ: Website cho công ty du lịch, website phong cách sang chảnh,…)

– Cung cấp document để thiết kế UX/UI 

– Gợi ý cách viết CV IT hấp dẫn giúp bạn được nhận phỏng vấn

Tham khảo

Việc làm UX/ UI Designer trên ITviec

Việc làm Web Developer trên ITviec 

Những hạn chế của ChatGPT là gì?

Nhiều người cho rằng, chỉ nên xem thông tin đầu ra của ChatGPT như một template/ nguồn cảm hứng để tham khảo, hoặc dùng nó như một đoạn text có ý nghĩa hơn “Lorem Ipsum” cho các thiết kế của bạn. Vì ChatGPT vẫn còn một số hạn chế liên quan đến độ tin cậy và chính xác như:

  • ChatGPT không có khả năng tìm kiếm thông tin trên Internet, mà chỉ dựa vào những tập dữ liệu mà nó đã được huấn luyện để trả lời câu hỏi. 
  • Kiến thức của ChatGPT bị giới hạn trong thời gian nó được đào tạo, và quá trình này đã kết thúc vào năm 2021.
  • Nhiều trường hợp ChatGPT bị báo cáo là cung cấp thông tin sai lệch hoặc vô nghĩa.
  • Câu trả lời của ChatGPT phụ thuộc vào cách người dùng viết câu hỏi đầu vào. 

Ví dụ: Khi hỏi câu A, ChatGPT có thể trả lời không biết. Nhưng khi hỏi câu B với cùng nội dung, chỉ khác từ ngữ thì ChatGPT có thể đưa ra câu trả lời.

  • Mặc dù OpenAI đã nỗ lực để dạy ChatGPT biết từ chối các yêu cầu không phù hợp, nhưng đôi khi ChatGPT sẽ phản hồi các hướng dẫn có hại hoặc mang tính chủ quan.

Một phát hiện đáng giá của người dùng khi hỏi ChatGPT về những chủ đề độc hại là: 

– Nếu bạn hỏi ChatGPT trực tiếp những vấn đề độc hại, nó sẽ từ chối trả lời.

– Nhưng bạn chỉ cần nói với nó rằng: Điều bạn muốn biết chỉ là “trong phim”, “trong một thế giới giả tưởng” hoặc ‘trong một thế giới đảo ngược”. ChatGPT ngay lập tức cung cấp câu trả lời cho bạn.

Các ngành nghề sẽ bị ảnh hưởng thế nào bởi ChatGPT?

Danh sách những việc ChatGPT làm được chắc chắn sẽ còn tiếp tục dài thêm. Vậy lo ngại lớn nhất có phải là, ChatGPT có thể thay thế nhiều ngành nghề trong tương lai?

Theo Cassie Kozyrkov @Chief Decision Scientist tại Google, các công cụ AI là thực chất là nền móng cho một cuộc cách mạng năng suất.

Theo góc nhìn của Cassie, ChatGPT chưa thể thay thế hoàn toàn công việc của một cá nhân, nhưng nó có thể tăng năng suất và kỹ năng của một cá nhân khác. Và chính những cá nhân có năng suất cao hơn này mới thay thế vai trò của những người kém năng suất.

Do đó, thay vì lo ngại bị thay thế bởi AI, Cassie cho rằng cô lo ngại hơn về kiến ​​thức và kĩ năng sử dụng AI của mình hơn.

Đọc thêm: Giải mã AI là gì và mức thu nhập hấp dẫn của AI Engineer

nghe-nghiep-bi-thay-the-boi-AI

Những công việc chúng ta muốn AI làm (trái) và những công việc AI thực sự làm (phải). Nguồn @Medium

Thực tế là, chúng ta muốn AI trợ giúp các công việc chân tay và công việc trí óc nặng, nhưng trong vài năm tới, AI trước hết sẽ thay thế các công việc trí óc nhẹ nhàng.

Chúng ta muốn nó dọn dẹp nhà cửa, lái ô tô hay đưa ra những quyết định lớn lao, mang tính định hình thế giới, thì hiện nay, AI lại đang giỏi viết truyện và làm thơ. 

Do đó: 

  • Công việc có nguy cơ bị thay thế bởi AI: Là những công việc ít đòi hỏi sự suy luận dựa vào ngữ cảnh. Bạn được dạy một phương pháp, và bạn biết cách làm việc sau vài ngày.

Ví dụ: thu ngân, vận hành trang đăng kí, người viết và gửi các email phản hồi,…

  • Công việc khó bị thay thế bởi AI: là những công việc có các yếu tố:

– Cần sự suy luận theo ngữ cảnh

– Hoặc đòi hỏi sự khéo léo thủ công

– Hoặc cần có sự hiện diện của gương mặt con người

Ví dụ: bác sĩ phẫu thuật, nhân viên tư vấn, bồi bàn,…

Theo Ignacio de Gregorio @TheTechOasis chia sẻ: “Tôi cảm thấy rằng chỉ những người tốt nhất trong lĩnh vực của họ mới tiếp tục phát triển. Có một góc nhìn độc đáo, một phong cách độc đáo sẽ là những điểm khiến bạn trở nên khác biệt trong thế giới AI sắp tới.”

GPT-4 là gì? Những tính năng đáng chú ý của GPT-4

GPT-4 được OpenAI phát hành vào 14/03/2023, được xem là mô hình xử lý ngôn ngữ tự nhiên lớn nhất hiện nay. Dựa theo buổi giới thiệu chính thức của OpenAI, một số cập nhật đáng chú ý của GPT-4 là:

  • Khả năng xử lý ngôn ngữ cấp độ cao:

GPT-4 không chỉ có khả năng tóm tắt văn bản dài thành 1 câu, mà nó còn có thể xử lý những yêu cầu ngôn ngữ “điên rồ” của người dùng như: 

gpt4-feature-2

Tóm tắt cốt truyện Cô bé Lọ Lem trong 1 câu, trong đó các từ phải bắt đầu bằng các chữ cái từ A đến Z, và không được lặp lại bất cứ chữ cái nào. Nguồn @OpenAI

Theo OpenAI, GPT-4 có khả năng xử lý tới 32.000 token, tương đương khoảng 50 trang văn bản, 24.000 từ, cao hơn rất nhiều so với giới hạn trước đây. 

Điều này cho phép người dùng cung cấp ngữ cảnh câu hỏi rõ ràng hơn, từ đó nhận về câu trả lời chính xác hơn, đồng thời cho phép chatbot viết các bài báo, tài liệu hoặc tác phẩm văn học dài hơn nhiều.

  • Khả năng “nhập vai” lập trình viên:

GPT-4 tiếp tục phát huy thế mạnh học bằng cách khái quát hoá thông tin (few-shot learning) và học theo hướng dẫn.

Ví dụ:

Khi dạy GPT-4 rằng, bây giờ nó là một “trợ lý lập trình” và cung cấp một số hướng dẫn, GPT-4 có thể tạo ra bot Discord trong nháy mắt, đáp ứng đúng các yêu cầu mới nhất của Discord năm 2022. Thậm chí, GPT-4 còn có khả năng tự sửa lỗi code.

Nếu bạn cảm thấy chưa đủ ấn tượng, hãy nhìn vào sự thật này: Thời hạn đào tạo cho GPT-4 kết thúc năm 2021, trong khi Discord cập nhật API gần nhất vào năm 2022, có nghĩa là GPT-4 đã không được cung cấp những thông tin mới nhất của Discord trong vòng 1 năm. Dù vậy, GPT-4 vẫn có thể tự cập nhật kiến thức mới từ thông tin do người dùng cung cấp, điều mà ChatGPT chưa làm được.

Nhiều người tin rằng, những cải tiến của GPT-4 không chỉ giúp cải thiện việc viết code, mà còn có thể “chiếm lĩnh” luôn đầu việc này của developer. Khi đó, developer có thể chỉ đóng vai trò là người đánh giá code mà thôi.

Đọc thêm: Định hướng nghề nghiệp cho Developer năm 2023

  • Hỗ trợ đa phương thức:

Khác với GPT-3 chỉ tiếp nhận văn bản, GPT-4 được cho là có thể hỗ trợ hình ảnh cho cả đầu vào lẫn đầu ra của nó. Nó có thể mô tả hình ảnh, kể cả ảnh chụp một cách chi tiết và chính xác.

Ví dụ: Khi được hỏi Tôi có thể làm món gì với những nguyên liệu này? GPT-4 có thể trả lời dễ dàng: 

gpt4-feature-3

Nguồn @OpenAI

Hoặc ví dụ khác: Greg Brockman @President/ Co-Founder của OpenAI đã viết tay một mô hình website và gửi cho GPT-4 dưới dạng ảnh chụp, sau đó yêu cầu nó tạo một trang web HTML/CSS/JS dựa trên hình vẽ đó. Nó thực sự cung cấp website theo mẫu chỉ trong 10 giây.

tinh-nang-gpt4-2

GPT-4 thậm chí có thể nhìn hình và… giải thích meme cho bạn.

gpt4-feature-1

  • Khả năng làm bài thi như một thí sinh hàng top:

ChatGPT hay GPT-3.5 cũng có thể vượt qua các bài kiểm tra cho con người – nhưng chỉ ở mức vừa đủ đạt.

Còn GPT-4 đã được đào tạo để thực hiện điều này tốt hơn nhiều. GPT-4 được cho là có thể dễ dàng đạt điểm số thuộc top 10% cao nhất trong các bài kiểm tra Khoa học Môi trường AP, GRE, LSAT,… thậm chí nó còn cải thiện khả năng làm toán hơn nhiều so với GPT-3.5.

gpt4-do-exam

So sánh điểm số của GPT-4 so với GPT-3.5 trong các bài kiểm tra nổi tiếng. Nguồn @OpenAI

Từ khi ra mắt, ChatGPT đã tạo nên những luồng thảo luận bùng nổ trên khắp các diễn đàn. Dưới đây là một số bình luận/ thảo luận thú vị xoay quanh sự ra đời của ChatGPT:

Những bình luận thú vị về ChatGPT

binh-luan-chatgpt-1

“ChatGPT chỉ vừa ra mắt chúng ta được hơn 24 tiếng. Nó giống như bạn thức dậy với tin tức về vụ nổ hạt nhân, bạn chưa biết nên nghĩ gì về nó, nhưng bạn biết thế giới sẽ không bao giờ như cũ nữa.”

binh-luan-chatgpt-2

“Con người học ngôn ngữ để chia sẻ kiến ​​thức > Sử dụng kiến ​​thức được chia sẻ để phát triển máy tính, Internet và AI > Huấn luyện AI bắt chước giao tiếp của con người nhưng tuân theo các quy tắc nghiêm ngặt > Con người đang “thao túng” AI một cách hiệu quả.”

binh-luan-chatgpt-3

“Đây vốn dĩ là công việc của tôi mà”

Những ý tưởng sử dụng ChatGPT

Bạn có thể làm gì với ChatGPT? Hãy tham khảo những ý tưởng sử dụng ChatGPT thú vị của người dùng trên thế giới:

  • Yêu cầu ChatGPT viết nhạc:

chatgpt-ung-dung-3

  • Yêu cầu ChatGPT giải thích cụm từ “Sự riêng tư khác biệt” theo phong cách của một anh chàng khôn ngoan, nhanh nhảu trong một bộ phim xã hội đen thập niên 1940:

chatgpt-ung-dung-7

  • Yêu cầu ChatGPT viết code Python:

chatgpt-ung-dung-2  

  • Yêu cầu ChatGPT viết lại bài hát Bohemian Rhapsody nhưng nói về cuộc đời của một postdoc:

chatgpt-ung-dung-1

  • Yêu cầu ChatGPT chuẩn bị các câu hỏi phỏng vấn nhân vật:

chatgpt-ung-dung-5

  • Yêu cầu ChatGPT chơi game nối câu:

chatgpt-ung-dung-4

Tổng kết

Điều quan trọng cần lưu ý: ChatGPT là một công cụ và câu trả lời của nó nên được sử dụng như điểm khởi đầu để tinh chỉnh thêm, thay vì được sử dụng trực tiếp như sản phẩm cuối cùng.

Vì vậy, thay vì chờ đợi ChatGPT nói riêng và AI nói chung có thể làm việc hoàn hảo, hay lo lắng nó có thể thay thế con người, hãy thử trải nghiệm sử dụng nó, trước hết như một công cụ trợ giúp. Tìm cách tận dụng ưu điểm của chatbot AI này. Luôn cập nhật kiến thức về GPT nói chung. Biết đâu “Kĩ năng sử dụng ChatGPT” có thể là điểm mạnh để ghi vào CV của bạn trong tương lai.

Tham khảo thêm: 10+ mẫu CV IT “chất”

Và đừng quên chia sẻ trải nghiệm của bạn với ChatGPT nữa nhé.