Nội dung chính
Tự mình triển khai và quản lý các ứng dụng trên nền tảng AWS là một kỹ năng cần thiết đối với lập trình viên ngày nay. AWS Console là công cụ không thể thiếu giúp các chuyên gia phát triển ứng dụng làm điều đó một cách hiệu quả. Với giao diện thân thiện, tích hợp nhiều tính năng hữu ích, AWS Console cho phép người dùng điều hướng, tùy chỉnh và quản lý các dịch vụ AWS một cách thuận tiện.
Đọc bài viết để hiểu rõ:
- Khái niệm AWS Console và cách đăng nhập vào ứng dụng này
- 6 tính năng chính của AWS Console
- Top 10 thành phần cơ bản trong AWS Console
- Ưu điểm và hạn chế của AWS Console
AWS Console là gì?
AWS Console là một ứng dụng web cho phép người dùng truy cập vào các dịch vụ của nền tảng Amazon Web Services (AWS). Với giao diện đơn giản, người dùng có thể dễ dàng điều hướng và truy cập vào các dịch vụ của AWS với AWS Console.
Giao diện tích hợp của AWS Console cho phép người dùng thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến AWS như cung cấp tài nguyên, khởi chạy các instance, thiết lập cân bằng tải và tạo hoặc quản lý các bucket Amazon Simple Storage Service (S3). Người dùng có thể tùy chỉnh trang chủ của Console bằng cách thêm, xóa và sắp xếp các tiện ích như “Recently visited,” “AWS Health” và “AWS Trusted Advisor.
Đăng nhập vào AWS Console thế nào?
Đầu tiên, bạn truy cập vào trang chính thức của AWS Console. Trang web sẽ hiển thị màn hình tương tự như sau:
Màn hình AWS Console trước khi đăng nhập.
Trong trường hợp màn hình trên, người dùng đã đăng xuất khỏi AWS. Nhấn nút Đăng nhập lại/Log back in để đăng nhập.
Nếu người dùng đã đăng nhập trước đó thì trang web có thể đã ghi nhớ thông tin đăng nhập của người dùng và sẽ hiển thị một màn hình tương tự như sau:
Như màn hình trên hiển thị, IAM user name (Identity and Access Management) là tên người dùng trong tài khoản AWS tổ chức/doanh nghiệp đã được quản trị viên chỉ định. Đây là thông tin đăng nhập dành cho người dùng được cấp quyền sử dụng cụ thể và thường được dùng thay cho tài khoản nguồn (root).
Trang đăng nhập AWS Console cũng bao gồm một liên kết phía ở dưới cùng để đăng nhập bằng tài khoản root để thực hiện các hành động quản trị mà tài khoản người dùng IAM không thể thực hiện được.
Các tính năng chính của AWS Console
Truy cập bảo mật qua web
- Đăng nhập an toàn nhờ các phiên làm việc giới hạn: AWS Management Console cho phép người dùng đăng nhập an toàn bằng các thông tin đăng nhập AWS hoặc IAM. Các phiên đăng nhập sẽ tự động hết hạn sau 12 giờ để tăng thêm tính bảo mật. Để tiếp tục phiên làm việc, bạn chỉ cần nhấp vào nút “Click login to continue” và đăng nhập lại.
- Hỗ trợ đa dạng trình duyệt: AWS Console hỗ trợ hoạt động trên ba phiên bản mới nhất của Google Chrome, Mozilla Firefox, Microsoft Edge, Apple Safari và cả Internet Explorer 11.
- Ứng dụng di động: Người dùng có thể dễ dàng xem các tài nguyên hiện có của mình và thực hiện các tác vụ vận hành từ thiết bị di động iOS hoặc Android thông qua ứng dụng di động AWS Console.
Trải nghiệm các dịch vụ AWS
- Tính năng Tìm kiếm thống nhất: Giúp người dùng tìm kiếm các dịch vụ cần thiết. Bạn cũng có thể mở rộng menu Dịch vụ để xem danh sách các dịch vụ AWS đầy đủ. Tính năng Tìm kiếm thống nhất cũng cho phép người dùng tìm các tính năng, tài liệu, bài hướng dẫn, sự kiện và sản phẩm AWS Marketplace mà không cần rời khỏi AWS Console.
- Dịch vụ miễn phí: Người dùng có thể khám phá hơn 60 sản phẩm được cung cấp miễn phí trên AWS Console để xây dựng giải pháp trực tiếp.
- Tài liệu và tài nguyên học tập: AWS Console cung cấp nhiều tài liệu và tài nguyên học tập, bao gồm các bài viết về các trường hợp sử dụng, tài liệu hướng dẫn Bắt đầu, webinar theo yêu cầu và các mẫu triển khai để người dùng tham khảo.
Công cụ xây dựng và học tập
- Luồng công việc tự động hóa: AWS Console cung cấp các luồng công việc và trình hướng dẫn tự động hóa giúp người dùng dễ dàng kiểm tra và xây dựng giải pháp với các dịch vụ AWS.
- Tương thích với CLIs, SDKs và các công cụ phát triển khác: AWS Console cung cấp các cách thức dễ dàng giúp người dùng xem xét, giám sát và tương tác với các tài nguyên đã tạo bằng các công cụ phát triển ứng dụng như AWS Command Line Interface (CLI) và các mẫu AWS CloudFormation.
Khả năng tùy chỉnh
- Thiết lập cấu hình cá nhân: Người dùng có thể thiết lập các tùy chỉnh cá nhân như khu vực mặc định muốn tải sau khi đăng nhập, ngôn ngữ ưa thích và các dịch vụ thường dùng trong thanh dịch vụ yêu thích.
- Tùy chỉnh trang chủ: Người dùng có thể tùy chỉnh Trang chủ AWS Console với các widget hiển thị thông tin về dịch vụ và tài nguyên đang sử dụng. Bạn có thể thêm và loại bỏ các widget này để trang chủ chỉ hiển thị những thông tin quan trọng đối với bạn.
- Quản lý các dịch vụ yêu thích: Người dùng có thể thêm hoặc loại bỏ các dịch vụ yêu thích của mình trong AWS Console.
Quản lý và giám sát tài khoản
- Bảng điều khiển Quản lý chi phí và thanh toán: Bảng điều khiển Quản lý chi phí và thanh toán trong AWS Console giúp người dùng theo dõi quá trình sử dụng dịch vụ, dự toán chi phí, thanh toán hóa đơn AWS và cập nhật thông tin thanh toán của mình.
- Quản lý truy cập và vai trò người dùng: AWS Console hỗ trợ quản lý truy cập an toàn đến tất cả các dịch vụ và tài nguyên AWS bằng cách sử dụng AWS Identity and Access Management (IAM).
- Giám sát sức khỏe hệ thống: Người dùng có thể theo dõi sức khỏe toàn hệ thống, xử lý kịp thời các thay đổi hiệu suất và tối ưu hóa sử dụng tài nguyên với AWS CloudWatch.
Tạo, quản lý và giám sát ứng dụng
- Truy cập các ứng dụng: Từ Trang chủ AWS Console, người dùng có thể truy cập ứng dụng và giám sát các ứng dụng đã chọn.
- Đánh giá sức khỏe, hiệu suất và hoạt động của ứng dụng: Với AWS Console, người dùng có thể đánh giá các yếu tố liên quan đến sức khỏe, hiệu suất và hoạt động của ứng dụng trên một trang duy nhất.
- Tạo mới ứng dụng: AWS Console cho phép người dùng tạo mới ứng dụng và tổ chức các tài nguyên dễ dàng.
10 thành phần chính trên giao diện AWS Console
1. Console Home
Sau khi đăng nhập vào AWS Console, giao diện đầu tiên người dùng có thể thấy là Console Home. Console Home bao gồm nhiều thành phần khác nhau được sử dụng để quản lý AWS.
Màn hình Console Home hiển thị như hình dưới đây:
Giao diện Console home.
2. Thông tin tài khoản
Ở góc trên bên phải màn hình AWS Console hiển thị tùy chọn với tên người dùng. Khi nhấp vào tên người dùng, nhiều tùy chọn khác nhau liên quan đến tài khoản người dùng AWS sẽ hiện lên. Quá trình cài đặt người dùng có thể được quản lý từ các tùy chọn khác nhau này.
- Tài khoản: Tùy chọn tài khoản cung cấp thông tin về tài khoản người dùng.
- Tổ chức: Tùy chọn này hiển thị tập hợp nhiều tài khoản AWS.
- Định mức dịch vụ : Tùy chọn này hiển thị giới hạn tối đa của dịch vụ và tài nguyên trong tài khoản AWS.
- Quản lý thanh toán và chi phí: Bảng thông tin thanh toán cung cấp thông tin tổng quan về các khoản thanh toán cho tài khoản AWS.
- Thông tin xác thực bảo mật: Mục này hiển thị menu IAM, nơi người dùng có thể quản lý nhiều nội dung liên quan đến bảo mật.
3. AWS Regions
Menu thứ hai từ góc trên bên phải màn hình hiển thị danh sách các vùng AWS. Mục này hiển thị vùng đang được chọn hiện tại. Khi nhấp vào, menu sẽ hiển thị danh sách tất cả các vùng AWS, từ đó người dùng có thể chọn những vùng sử dụng cần thiết.
4. Cài đặt
Biểu tượng bánh răng nhỏ hiển thị mục cài đặt. Mục này hiển thị tất cả các cài đặt chung liên quan đến AWS Console.
- Ngôn ngữ mặc định có thể được chọn từ danh sách thả xuống. Ngoài ra, giao diện trực quan của AWS Console cũng có thể được thay đổi bằng các lựa chọn chế độ sáng/tối thích hợp.
- Những nút cài đặt người dùng khác hỗ trợ điều hướng đến bảng điều khiển cài đặt để quản lý tất cả các cài đặt khác.
5. Hỗ trợ người dùng
Tùy chọn hỗ trợ hiển thị tất cả các menu liên quan đến việc hỗ trợ người dùng. Tùy chọn này có thể được sử dụng trong trường hợp người dùng gặp lỗi hoặc có sự cố với dịch vụ AWS.
- Trung tâm hỗ trợ : Menu này sẽ đưa người dùng đến bảng điều khiển hỗ trợ để sử dụng các dịch vụ liên quan đến hỗ trợ.
- Trợ giúp của chuyên gia : Tính năng này sẽ kết nối người dùng tới bất kỳ chuyên gia AWS nào đang online.
- re:Post : Tùy chọn này cung cấp cho người dùng quyền truy cập vào tài liệu và tài nguyên AWS.
Ngoài ra, nhiều tài liệu và liên kết hữu ích liên quan khác cũng có sẵn trong phần hỗ trợ.
6. Thông báo
Biểu tượng chuông trên giao diện hiển thị tất cả các thông báo liên quan đến dịch vụ và tài nguyên AWS. Ngoài ra, người dùng cũng có thể theo dõi trạng thái “sức khỏe” nền tảng AWS của mình.
7. AWS Cloud Shell
Tùy chọn này sẽ khởi chạy một môi trường shell dựa trên trình duyệt được xác thực trước bằng thông tin xác thực trên AWS Console. Shell có thể được sử dụng để thực thi các lệnh hoặc tập lệnh AWS CLI khác nhau bằng cách sử dụng AWS CDK từ trình duyệt của người dùng.
8. Tìm kiếm AWS
Tùy chọn tìm kiếm trong AWS cho phép người dùng tìm những nội dung trùng khớp với đoạn text nhập vào ô tìm kiếm.
- Dịch vụ: Danh sách dịch vụ AWS
- Tính năng: Danh sách các tính năng của dịch vụ AWS
- Blog: Bài đăng từ blog AWS
- Tài liệu: Tài liệu các sản phẩm của AWS
- Bài viết kiến thức: Trung tâm kiến thức hỗ trợ nâng cao AWS
- Hướng dẫn: Hướng dẫn từ Trung tâm tài nguyên hướng dẫn để bắt đầu với AWS
- Sự kiện: Các sự kiện được lưu trữ trên AWS sắp diễn ra hoặc có sẵn theo yêu cầu
- Marketplace: Các dịch vụ AWS Marketplace mà người dùng có thể triển khai trong tài khoản AWS của mình
9. Bộ tùy chọn dịch vụ AWS
Biểu tượng phía bên trái thanh tìm kiếm là Bộ tùy chọn dịch vụ. Tùy chọn này hiển thị các nhóm và Dịch vụ AWS khác nhau.
- Người dùng có thể chọn dịch vụ của mình từ danh sách có sẵn.
- Mục này cũng hiển thị các dịch vụ truy cập gần đây giúp người dùng dễ dàng điều hướng.
10. Tiện ích bảng thông tin AWS
Bạn có thể thêm các widget vào bảng tiện ích để sử dụng cho các mục đích khác nhau, giúp dễ dàng điều hướng và theo dõi được tổng quan về các dịch vụ cũng như tài nguyên của họ trong AWS.
- AWS Health: Thông tin về các sự kiện có thể ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng và tài khoản AWS.
- Chi phí và mức độ sử dụng (Cost and usage): Tổng quan về chi phí dịch vụ, phân tích theo dịch vụ AWS
- Mục yêu thích: Danh sách các dịch vụ AWS yêu thích
- Đã truy cập gần đây (Recently visited): Lịch sử các dịch vụ đã truy cập gần đây nhất.
- Cố vấn đáng tin cậy (Trusted Advisor): Các đề xuất tối ưu được AWS khuyến nghị.
Các tiện ích widget cũng có thể được thêm hoặc xóa theo tùy chọn của người dùng. Nút Thêm tiện ích có thể được sử dụng để thêm tiện ích mới.
Ưu điểm và hạn chế của AWS Console
Ưu điểm của AWS Console
- Tính linh hoạt: AWS Console cung cấp công cụ trung tâm để tạo và quản lý một loạt các tài nguyên AWS, bao gồm tính toán, lưu trữ và cơ sở dữ liệu để đáp ứng các nhu cầu kỹ thuật phức tạp của người dùng.
- Khả năng mở rộng: AWS Console cho phép người dùng mở rộng tài nguyên của mình một cách nhanh chóng và dễ dàng mà không cần khoản đầu tư lớn ban đầu hay yêu cầu người dùng cam kết sử dụng dài hạn. Thông qua khả năng mở rộng linh động, các thành phần cơ sở hạ tầng có thể tự động được mở rộng hoặc hạn chế lại dựa trên các chỉ số trạng thái “sức khỏe” AWS khác nhau.
- Hiệu quả chi phí: AWS Console cho phép người dùng truy cập vào tất cả các tài nguyên tính phí, đồng thời cung cấp bản phân tích chi tiết về chi phí cho mỗi dịch vụ sử dụng. Người dùng cũng có thể tối ưu hóa hóa hóa đơn hàng tháng của mình với các tính năng như AWS Simple Monthly Calculator và AWS Cost Explorer.
- Tuân thủ bảo mật: AWS Console được tích hợp chặt chẽ với các dịch vụ bảo mật và tuân thủ của AWS, bao gồm AWS Identity and Access Management (IAM) và AWS Certificate Manager (ACM), giúp người dùng bảo vệ tài nguyên của mình và tuân thủ theo quy định pháp lý.
- Cơ sở hạ tầng toàn cầu: AWS Console cho phép người dùng truy cập vào mạng lưới toàn cầu của các trung tâm dữ liệu AWS, từ đó có thể triển khai các tài nguyên của mình với tối thiểu độ trễ và tối đa hiệu suất.
- Tích hợp: AWS Console tích hợp với nhiều công cụ và dịch vụ của bên thứ ba, bao gồm các công cụ DevOps, công cụ tin tức kinh doanh và học máy, giúp người dùng quản lý tài nguyên AWS và các luồng công việc của mình.
- Sáng tạo: Thông qua AWS Console, người dùng có thể truy cập các cập nhật mới nhất của AWS, bao gồm các dịch vụ và tính năng mới.
Hạn chế của AWS Console
- Sử dụng khá phức tạp: Mặc dù AWS Console cung cấp cho người dùng khả năng truy cập trung tâm vào tất cả các dịch vụ và tính năng AWS, nhưng bộ công cụ này có thể khá phức tạp và khó điều hướng đối với người dùng mới trên nền tảng đám mây.
- Tích hợp phức tạp: Việc tích hợp AWS Console với các ứng dụng và dịch vụ bên ngoài thường phức tạp.
Tuy nhiên, dù có những hạn chế, AWS Console vẫn là một công cụ hữu ích để quản lý và tối ưu hóa các tài nguyên điện toán đám mây, cung cấp khả năng linh hoạt trong công việc cho lập trình viên.
Các câu hỏi thường gặp khi sử dụng AWS Console
AWS Console dùng để làm gì?
AWS Console là một ứng dụng web cho phép quản lý các tài nguyên AWS thông qua các bảng điều khiển dịch vụ. Khi đăng nhập vào AWS Console, người dùng có thể tùy chỉnh trải nghiệm AWS của mình bằng cách thêm, xóa và sắp xếp các widget như Recently visited, AWS Health v.v.
AWS Console có miễn phí không?
AWS Console là một công cụ miễn phí để quản lý tài nguyên AWS, nhưng các dịch vụ và tài nguyên cơ sở hạ tầng mà người dùng cần truy cập thông qua công cụ này thường phải trả phí. Bảng giá trên trang của AWS liệt kê các mức giá khác nhau cho từng dịch vụ và tài nguyên.
Làm thế nào để tạo hồ sơ người dùng mới trên AWS Console?
Để tạo hồ sơ người dùng mới trên AWS Console, bạn cần đăng nhập vào AWS Console và chọn mục IAM (Identity and Access Management). Sau đó, bạn sẽ tạo người dùng mới bằng cách chọn “Add user” và điền thông tin cần thiết như tên người dùng và loại quyền truy cập. Cuối cùng, bạn cần tạo mật khẩu cho người dùng để họ có thể truy cập vào AWS Console và cung cấp thông tin đăng nhập cho người dùng sử dụng.
Các ứng dụng phổ biến của AWS Console là gì?
Những ứng dụng chính của AWS Console thông qua các tính năng bao gồm: truy cập bảo mật qua web, trải nghiệm các dịch vụ AWS, công cụ xây dựng và học tập, tùy chỉnh AWS Console, quản lý và giám sát tài khoản, cùng các tính năng hỗ trợ tạo, quản lý và giám sát ứng dụng trên nền tảng AWS.
Tổng kết
Trên đây là tổng quan về AWS Console và các tính năng quan trọng mà lập trình viên nên nắm bắt. Với AWS Console, bạn sẽ nhận được trải nghiệm tối ưu, mượt mà trong quá trình quản lý và tối ưu hóa các tài nguyên điện toán đám mây của mình trên nền tảng AWS. Hãy cùng theo dõi ITviec để tiếp tục khám phá thêm và tận dụng sức mạnh của các công cụ AWS trên hành trình sự nghiệp công nghệ!