Các ứng dụng di động (mobile application, hay còn gọi tắt là app) dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, cho mục đích cả công việc và giải trí. Chính vì vậy, App Tester ngày càng đóng vai trò quan trọng để đảm bảo mỗi ứng dụng hoạt động chính xác và ổn định, mang lại giá trị liên tục cho người dùng. Cùng ITviec tìm hiểu App Tester là ai và những kỹ năng cần có của công việc này là gì.

Đọc bài viết này để biết:

  • App tester là ai và có vai trò gì trong kiểm thử ứng dụng
  • Cách bạn trở thành App Tester và những kỹ năng cần có
  • Một số công cụ hỗ trợ cho công việc của App Tester

App Tester là gì?

App Tester, hay còn được biết đến là người kiểm thử ứng dụng, là những chuyên gia đảm bảo chất lượng ứng dụng di động trước khi phát hành ra thị trường. Công việc của họ bao gồm kiểm thử từng tính năng, phát hiện lỗi, kiểm thử giao diện trên nhiều kích thước màn hình, kiểm tra hiệu suất và tính tương thích với các hệ điều hành đồng thời đảm bảo ứng dụng hoạt động mượt mà, ổn định trên nhiều thiết bị khác nhau.

Các App Tester thường được yêu cầu có kiến thức sâu rộng về cách hoạt động của các ứng dụng di động trên các nền tảng khác nhau như iOS và Android. Họ cũng cần nắm vững các kỹ thuật kiểm thử và sử dụng các công cụ phần mềm để tự động hóa quá trình kiểm thử và phát hiện lỗi. Việc hiểu biết một vài kiến thức cơ bản về lập trình mobile cũng sẽ rất hữu ích cho con đường thăng tiến của App Tester sau này.

Ngoài ra, việc trở thành một App Tester không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn mà còn yêu cầu kỹ năng giao tiếp và báo cáo tốt để quá trình làm việc hiệu quả hơn.

Điểm khác nhau giữa App Tester và Website Tester

App Tester và Website Tester đều chịu trách nhiệm đảm bảo các sản phẩm công nghệ hoạt động mượt mà, đáp ứng các tiêu chuẩn về chức năng, hiệu suất và độ tin cậy. Nhưng vì sản phẩm testing khác nhau nên  App Tester và website tester có những khác nhau cốt lõi trong công việc như:

  • Thao tác của người dùng trên ứng dụng di động (như cuộn, phóng to, thu nhỏ,…) và trang web khác nhau;
  • Phương pháp và công cụ testing khác nhau;
  • Kiểm thử ứng dụng di động nhấn mạnh vào chất lượng và tính ổn định trên đa dạng thiết bị và hệ điều hành di động, trong khi kiểm thử website tập trung vào giao diện và chức năng trên các trình duyệt web như Firefox, Chrome, Safari,…

Xem thêm: Tester là gì? Những kỹ năng quan trọng mà một Tester giỏi cần có?

Vai trò và mô tả công việc của App Tester

Vai trò và công việc của App Tester bao gồm các nhiệm vụ sau:

  • Lập kế hoạch: Trước khi bắt đầu quá trình kiểm thử, App Tester cần xây dựng một kế hoạch testing dựa trên mô tả và yêu cầu của ứng dụng cũng như trên kinh nghiệm cá nhân của mình. Họ cần xác định rõ những tính năng cụ thể cần được kiểm thử, quy trình và thời gian kiểm thử sẽ diễn ra như thế nào và ai sẽ thực hiện công việc testing.
  • Kiểm thử chức năng: Đây là bước quan trọng trong quá trình testing. App Tester sẽ cần kiểm thử từng chức năng của ứng dụng có hoạt động hiệu quả hay không. Họ sẽ thường dùng phương pháp “chiếc hộp đen” (black box) – cung cấp dữ liệu đầu vào và sau đó xem kết quả đầu ra. Nếu kết quả khớp với những gì được xác định trước theo mô tả ứng dụng, chức năng được xem là hoạt động đúng.
  • Kiểm thử các yếu tố khác: Bao gồm hiệu suất (đảm bảo rằng ứng dụng chạy mượt mà và không có độ trễ lớn), độ tin cậy, khả năng mở rộng và các khía cạnh phi chức năng khác của phần mềm như bảo mật, sự tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định, khả năng tương thích trên nhiều thiết bị và nhiều hệ điều hành khác nhau, khả năng tiếp cận của người dùng với ứng dụng (kiểm tra và đánh giá giao diện của ứng dụng, đảm bảo rằng nó thân thiện và dễ sử dụng) và tương tác của người dùng với ứng dụng (xác định các vấn đề liên quan đến tương tác của người dùng với ứng dụng đề xuất cải tiến để app trở nên mượt mà hơn)… 
  • Phát hiện và báo cáo lỗi: App Tester tìm kiếm và ghi lại mọi lỗi hoặc vấn đề trong quá trình kiểm thử của mình. Họ tạo ra các báo cáo chi tiết để thông báo về các lỗi cho nhóm phát triển, giúp họ sửa chữa và cải thiện ứng dụng.
  • Đánh giá và đề xuất cải tiến: Dựa trên kết quả kiểm thử, App Tester sẽ đề xuất các cải tiến để cải thiện chất lượng và trải nghiệm người dùng trong ứng dụng. Điều này có thể bao gồm gợi ý với các bộ phận khác về việc tối ưu hóa hiệu suất, sửa lỗi hoặc cải thiện giao diện và tăng chất lượng sản phẩm cùng trải nghiệm của người dùng.

Những kỹ năng mà App Tester nên có

Để trở thành một chuyên gia kiểm thử, bạn sẽ phải chuẩn bị các kỹ năng về giao tiếp hiệu quả và chuyên môn sâu về kỹ thuật trong ngành phát triển app. Cụ thể như sau: 

Kỹ năng mềm của App Tester

  • Kỹ năng nắm bắt các trường hợp có thể xảy ra: App Tester cần hiểu rõ về nhu cầu và mong đợi của người dùng để tiến hành kiểm thử và cải thiện ứng dụng.
  • Kỹ năng phân tích: Mobile App Tester đòi kỹ năng phân tích mạnh mẽ. Bạn phải thực hiện các quy trình testing khác nhau để đánh giá vấn đề và đưa ra giải pháp hiệu quả. 
  • Kỹ năng đi sâu chi tiết: Phần mềm di động thường phức tạp, bao gồm nhiều trang, chức năng và ứng dụng tích hợp khác. Do đó, các App Tester phải kiểm thử mọi khía cạnh một cách tỉ mỉ trước khi phát hành, chú ý đến những chi tiết nhỏ nhất để đảm bảo việc kiểm thử toàn diện.
  • Kỹ năng giao tiếp hiệu quả: Thực tế trong quá trình làm việc, App Tester cần phải tương tác và làm việc trực tiếp với các nhà phát triển, do đó việc giao tiếp hiệu quả giúp giải quyết các lỗi trong quá trình phát triển phần mềm. 
  • Kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm: Họ phải có khả năng làm việc độc lập để xác định và giải quyết vấn đề. Đồng thời, họ cũng cần phối hợp một cách hiệu quả trong nhóm để đảm bảo kiểm thử toàn diện.

Kỹ năng chuyên môn của App Tester

  • Hiểu biết về quy trình phát triển phần mềm di động: Việc hiểu biết sơ bộ về quy trình phát triển phần mềm di động và các quy tắc cơ bản giúp App Tester phát triển một mối quan hệ làm việc với các nhà phát triển app hiệu quả và bền vững.
  • Hiểu biết các nền tảng ứng dụng: Hiểu biết sự khác nhau giữa các nền tảng (như Android và iOS) giúp các App Tester có những quy trình và phương pháp phù hợp.
  • Kỹ năng lập kế hoạch: Tester đưa ra cách tiếp cận kiểm thử phù hợp dựa với ứng dụng và dự án. Kỹ năng này nếu được thực hiện đúng cách sẽ giúp App Tester hiểu sâu về nhu cầu và mong đợi của người dùng để tối ưu quá trình testing. Thông qua việc kế hoạch, bạn có thể phát hiện sớm kỹ năng và kiến thức cần thiết cho dự án này mà bạn đang còn thiếu, giúp bạn có thể chủ động trang bị kiến thức và kỹ năng còn thiếu đó.
  • Lựa chọn công cụ kiểm thử phù hợp: Giống như thiết bị di động, thị trường công cụ kiểm thử cũng đang phát triển nhanh chóng (ứng dụng AI và machine learning) mà App Tester cần nhanh chóng cập nhật và ứng dụng trong công việc của mình. 
  • Kỹ năng xác định và thiết lập môi trường kiểm thử: Với sự đa dạng các thiết bị di động và mỗi thiết bị có phần cứng khác nhau về bộ vi xử lý, bộ nhớ, anten mạng, kích thước màn hình, loại đầu vào… nên App Tester cần được thiết lập môi trường phù hợp nhất. 
  • Viết kịch bản kiểm thử tự động: Quy trình testing tự động hoá đã được ứng dụng trong nhiều năm gần đây nên kỹ năng viết các trường hợp, kịch bản này là một trong những kỹ năng chuyên môn cần có của App Tester. Để có thể viết kịch bản kiểm thử tự động, App Tester cần biết các ngôn ngữ lập trình như Java, C#, Python,… Tìm hiểu về các công cụ kiểm thử phần mềm được sử dụng trong kiểm thử ứng dụng di động như Appium, Selenium, Xcode Instruments, hoặc các công cụ kiểm thử thủ công như TestRail.
  • Kiểm thử dưới điều kiện người dùng thực tế: Hiệu ứng của các cử động màn hình, điều kiện lưu lượng mạng, độ sáng màn hình, định vị địa lý, hướng thiết bị và ngôn ngữ thiết bị… là những yếu tố App Tester cần nắm bắt được.

Các loại ứng dụng di động

Ứng dụng di động có thể chia thành 3 loại cơ bản như sau: 

  • Ứng dụng di động cho website: Đây là phiên bản ứng dụng định dạng lại kích thước các trang web phù hợp với mọi hệ điều hành trên các thiết bị di động. Bạn có thể dễ dàng xem các trình duyệt web bằng ứng dụng điện thoại của mình. 
  • Ứng dụng di động gốc (native app): Đây là các ứng dụng gốc được thiết kế và xây dựng dựa trên các hệ điều hành riêng và thiết bị di động. Những ứng dụng này được xây dựng dựa trên các SDK cụ thể, giúp ứng dụng vận hành mượt mà và trực quan, mang lại trải nghiệm cho người dùng đáng tin cậy hơn.
  • Ứng dụng di động Hybrid: Đây là phiên bản kết hợp giữa ứng dụng di động gốc và phiên bản dành cho các trang web. Các ứng dụng này được phát triển bằng cách sử dụng hỗn hợp công nghệ web và API gốc, giúp phát triển ứng dụng nhanh hơn so với các ứng dụng gốc.

App Tester cần làm việc với những công cụ nào?

App Tester trong quá trình làm việc cần sử dụng nhiều công cụ kiểm thử, mô phỏng và phân tích để kiểm tra ứng dụng di động. App Tester cần nắm vững một hoặc nhiều công cụ kiểm thử, bao gồm:

Công cụ emulator (giả lập thiết bị) và simulator (mô phỏng môi trường hoạt động)

Các trình giả lập là các ứng dụng desktop có thể bắt chước hệ điều hành và phần cứng của thiết bị mục tiêu: có thể cài ứng dụng trên đó, cho phép kiểm tra và gỡ lỗi các ứng dụng và xem chúng hoạt động như thế nào. Chúng rất hữu ích để kiểm tra các tình huống cụ thể trước khi một doanh nghiệp triển khai ứng dụng, hạn chế nó chỉ giống với device thật ở mức tương đối nên vẫn có bug phát sinh trên device thật và không lỗi trên trình giả lập.

Trình mô phỏng là một loại phần mềm giúp máy tính chạy các ứng dụng được xây dựng cho một hệ điều hành khác. Nó sẽ tạo ra 1 ứng dụng mô phỏng giống các sản phẩm mobile đến từng chi tiết, giống thật nhất có thể, những công cụ này đơn giản và ít hữu ích hơn giả lập. Chúng tương đối rẻ hơn, nhanh hơn và đáng tin cậy. Biết về các công cụ này có thể giúp Tester quyết định công cụ nào phù hợp nhất để kiểm tra ứng dụng.

Một số công cụ giả lập và mô phỏng phổ biến là:

  • Xcode
  • AVD
  • Genymotion
  • Android emulator
  • Galaxy emulator
  • iPhone emulator
  • iOS simulators

Công cụ theo dõi hiệu suất

Các công cụ theo dõi hiệu suất ứng dụng giúp Tester đảm bảo rằng tất cả các quy trình trong một ứng dụng hoạt động trơn tru. Các hạng mục cần kiểm tra hiệu suất bao gồm: tốc độ khởi động của ứng dụng, tốc độ tiêu thụ pin và bộ nhớ, sử dụng đồng thời nhiều ứng dụng khác nhau,…

Có nhiều công cụ, như Android Monitor và Instruments for iOS giúp kiểm soát các hành động trên thiết bị.

Công cụ mạng máy tính

Các developer thiết kế một ứng dụng di động để tương thích với các loại mạng khác nhau. Tester cần sử dụng nhiều công cụ nâng cao để thiết lập và điều chỉnh các cấu hình, đảm bảo chúng chính xác. Các công cụ mạng máy tính theo dõi các cuộc gọi API khi có bất kỳ hoạt động nào trong ứng dụng di động.

Tester cần kiểm tra tốc độ gửi nhận gói tin, có thể gửi lại yêu cầu cho thông tin hoặc sẽ tạo cảnh báo tương ứng nếu mất gói tin, cần kiểm tra ứng dụng trên nhiều mạng có tốc độ thay đổi bất chợt. Ứng dụng sẽ được kiểm tra trên các mạng 2.5G, 3G và 4G. cả Wi-Fi và mạng di động khác.

Tester có thể học cách sử dụng các công cụ mạng như Network Link Conditioner, Fiddler và Charles. Kiến thức về các công cụ kiểm tra API như PAW, Insomnia, SoapUI và Postman vô cùng quan trọng đối với Tester.

Công cụ tự động hóa

Tester ứng dụng di động sử dụng các công cụ tự động hóa để tăng phạm vi kiểm thử, tiết kiệm thời gian và cho phép các kiểm thử đồng thời trên nhiều thiết bị.

Một số công cụ tự động hóa hữu ích cho Tester bao gồm Appium, Selenium, Espresso, XCuitest, Calabash, Frank, KIF, Monkey Talk và UI Auto Monkey.

Xem thêm: Top 5 automation test tool được yêu thích nhất 2024

Công cụ phân tích

Người dùng có thể truy cập một ứng dụng thông qua nhiều mạng, thiết bị và hệ điều hành. Tuy không quá quan trọng nhưng Tester cũng có thể phân tích dữ liệu này và báo cáo cho các bên liên quan để giúp họ xác định các vấn đề tiềm ẩn trước khi họ triển khai ứng dụng.

Một số công cụ và dịch vụ giúp phân tích và phân tích ứng dụng là:

  • HockeyApp
  • AppBlade
  • Appaloosa
  • TestFairy
  • TestFlight
  • Dynatrace
  • CrashLytics
  • Bugsee
  • AppSee
  • FireBase

Top 5 công cụ kiểm thử App phổ biến

Katalon 

Katalon được biết đến là nền tảng testing tự động cho thiết bị di động, trang Web, API và hệ điều hành Windows.

Các tính năng nổi bật bao gồm: Phần mềm này có ghi và phát lại (Record & playback), từ khóa tích hợp (built-in keywords), mẫu dự án (project templates), chế độ thủ công (Manual Mode) và kịch bản (Script); Khả năng kiểm thử cục bộ, từ xa, và trên môi trường chéo trên các thiết bị thực, giả lập, hoặc đám mây; Cung cấp kiểm thử dựa trên hình ảnh và mô hình đối tượng trang; Chia sẻ tài nguyên kiểm thử và sử dụng các báo cáo tích hợp; Tích hợp với các hệ thống CI/CD và tài liệu học miễn phí.

Appium

Appium được biết đến là một framework được yêu thích nhằm hỗ trợ quá trình kiểm thử tự động hoá. Bằng cách sử dụng giao thức WebDriver, Appium cho phép người dùng kiểm thử các ứng dụng di động cho website, ứng dụng di động gốc và ứng dụng di động hybrid.

Appium được chia là 4 phần: Appium Core (xác định các API cốt lõi), Drivers (triển khai kết nối với các nền tảng cụ thể), Clients (triển khai API của Appium bằng các ngôn ngữ cụ thể), Plugins (thay đổi hoặc mở rộng chức năng cốt lõi của Appium)

Các tính năng nổi bật: Hỗ trợ đa dạng các ngôn ngữ lập trình như Java, Ruby, Python, PHP, JavaScript, và C#; Có thể dễ dàng kết hợp với các framework và nền tảng testing khác; Dễ dàng testing giữa IOS, Android và Windows.

Espresso

Espresso là cái tên không còn xa lạ đối với các nhà phát triển ứng dụng gốc Android. Đây là phần mềm testing tự động dành cho các ứng dụng Android được phát triển bởi Google.

Các tính năng nổi bật: Hỗ trợ ngôn ngữ lập trình Java và JUnit đối với các ứng dụng gốc; Đồng bộ hoá tự động UI của app với các hoạt động testing; Phổ biến dạng dạng testing “hộp đen” và unit testing. 

XCTest

XCTest là phần mềm được phát triển bởi Apple dành cho các nhà phát triển phần mềm dành cho hệ điều hành IOS.

Các tính năng nổi bật: Hỗ trợ ngôn ngữ Swift và Objective-C; Kết nối với Xcode, các công cụ và framework của bên thứ ba để ghi lại kết quả testing; Hỗ trợ tích hợp CI/CD; Phù hợp cho kiểm thử hộp đen.

Robotium 

Robotium kiểm thử ứng dụng di động tự động trên Android từ phiên bản 1.6 trở lên, bao gồm cả ứng dụng gốc và hybrid, với yêu cầu cài đặt Android SDK, Eclipse, Android Development Toolkit, và JDK.

Các tính năng nổi bật: Hỗ trợ ngôn ngữ lập trình Java và cung cấp API đơn giản để tạo ra các bài testing nhanh chóng; Hỗ trợ testing trên các giả lập Android và thiết bị thực; Tích hợp CI/CD được hỗ trợ (Maven, Gradle hoặc ANT).

Câu hỏi thường gặp về App Tester

Làm thế nào để trở thành App Tester?

Để trở thành một App Tester, bước đầu tiên, bạn cần xác định và phát triển các kỹ năng và kiến thức về lập trình (thành thạo các ngôn ngữ lập trình VD: Java, Python …) kiến thức về các phương pháp và công cụ kiểm thử ứng dụng, Database và SQL, kỹ năng phân tích, làm quen với các framework tự động hóa thử nghiệm.

Sau đó, bạn có thể tìm kiếm các khóa học chuyên sâu trong lĩnh vực này để củng cố kiến thức và kỹ năng của mình. Ngoài ra, bạn cần có một số kĩ năng mềm như sự tỉ mỉ, chú ý đến các chi tiết, có tư duy phân tích và giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp và khả năng hợp tác, teamwork tốt sẽ đem lại hiệu quả trong công việc.

Bên cạnh đó, bạn có thể tham gia vào các dự án thực tế hoặc tìm kiếm cơ hội thực tập để tích lũy kinh nghiệm.

Cuối cùng, bạn có thể bắt đầu sự nghiệp của mình trong lĩnh vực kiểm thử phần mềm thông qua việc tìm kiếm các cơ hội việc làm hoặc thực hiện các dự án tự do của riêng mình.

Yêu cầu cơ bản đối với App Tester là gì?

Để trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực kiểm thử và phát triển các ứng dụng di động, bạn cần trang bị đầy đủ cho mình kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Bên cạnh đó, việc nắm bắt được các phương pháp và công cụ testing sẽ giúp quá trình làm việc và phát triển của bạn dễ dàng và nhanh chóng hơn. 

Tổng kết App tester

App Tester là một vị trí quan trọng góp phần tạo nên sự thành công của các phần mềm, ứng dụng di động. Để thực hiện công việc này hiệu quả, các App Tester cần có kiến thức và kỹ năng chuyên môn vững vàng, cũng như sử dụng các phương pháp và công cụ kiểm thử phù hợp. Đây là một vị trí yêu cầu sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tỉ mỉ.