Bên cạnh việc được trải nghiệm những trò chơi mới, công việc Game Tester còn mang đến nguồn thu nhập tương đối cao. Tuy nhiên, để trở thành một Game Tester chuyên nghiệp, bạn cần phải trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Cùng ITviec tham khảo bài viết để hiểu rõ hơn về các loại kiểm thử game và những yêu cầu cần có đối với vị trí công việc Game Tester.
Đọc bài viết để tìm hiểu ngay:
- Game Tester là gì? Công việc của Game Tester như thế nào?
- Tìm hiểu quy trình test game cơ bản
- Top 5 kỹ năng quan trọng nhất khi trở thành Game Tester
Game Tester là gì?
Game Tester hay video Game Tester là những Tester chuyên thực hiện công việc chơi thử video game, kiểm thử các tính năng và xác định các lỗi hay sự cố trước khi trò chơi được phát hành.
Các video Game Tester thường làm việc cho các công ty video games hoặc hợp tác với các nhà phát triển trò chơi để cải thiện trò chơi nhằm đảm bảo rằng chúng sẵn sàng cho người dùng trải nghiệm.
Đọc thêm: Tester là gì? Kỹ năng nào cần để trở thành Tester giỏi?
Có hai vai trò chính mà một Game Tester thường đảm nhận, cụ thể:
- PlayTester (Người chơi thử nghiệm): Tập trung vào việc kiểm thử trải nghiệm người dùng của một trò chơi, chẳng hạn như phân đoạn nào trong game có thể trở nên nhàm chán hoặc không rõ ràng, trò chơi có vui không và bạn có thể trải qua bao nhiêu chiến thắng trên đường đến đạt được mục tiêu của trò chơi.
- Quality Assurance Tester (Người kiểm thử đảm bảo chất lượng): Tập trung vào việc xác định các vấn đề kỹ thuật của trò chơi, chẳng hạn như lỗi, sự cố và hoặc sự không nhất quán.
Trong bài viết này, ITviec sẽ cùng bạn tập trung làm rõ lộ trình trở thành một Game Tester chuyên nghiệp.
Các loại kiểm thử game cơ bản
Combinatorial Testing (Kiểm thử kết hợp)
Kiểm thử kết hợp là một phương pháp hiệu quả để giảm số lượng ca kiểm thử. Các thông số là những khía cạnh quan trọng của việc kiểm thử này và chúng có thể dễ dàng được tìm thấy bằng cách hiểu biết sâu sắc về yêu cầu của trò chơi. Một số thông số gồm: sự kiện, cài đặt, tùy chọn lối chơi, thuộc tính nhân vật, cấu hình phần cứng,…
Các trường hợp kiểm thử được tạo ra cho kiểm thử này có thể có tính chất đồng nhất hoặc không đồng nhất.
Ad Hoc Testing (Kiểm thử đặc biệt)
Ad Hoc Testing giúp Tester tìm ra đường dẫn người dùng dễ dàng hơn. Nhiệm vụ của người thực hiện kiểm thử game là phá hỏng trò chơi bằng cách thực hiện hàng ngàn tình huống khác nhau nhằm giảm thiểu các rủi ro trước khi phát hành.
Kiểm thử Ad hoc thường dựa theo kinh nghiệm, không theo một kế hoạch hoặc tài liệu hướng dẫn nào để phát hiện ra lỗi của trò chơi.
Compatibility Testing (Kiểm thử khả năng tương thích)
Để đảm bảo lợi nhuận tối đa, một trò chơi phải hoạt động mượt mà trên tất cả các nền tảng. Do đó, kiểm thử khả năng tương thích là một vấn đề lớn trong ngành công nghiệp game. Tester sẽ tiến hành kiểm thử khả năng tương thích trên các hệ điều hành, trình duyệt, môi trường mạng, thiết bị,… khác nhau, ghi nhận lỗi và đề xuất developer điều chỉnh.
Play Testing (Chơi thử)
Playtesting là một quá trình được sử dụng trong quá trình phát triển trò chơi tại các thời điểm khác nhau để đảm bảo rằng tiến trình của trò chơi diễn ra theo thiết kế ban đầu. Chơi thử giúp kiểm tra các yếu tố thiết kế, lối chơi, yếu tố nghe nhìn khác nhau,… từ đó dễ dàng đo lường và điều chỉnh kỳ vọng của người dùng cho phù hợp.
Cleanroom Testing (Kiểm thử phòng sạch)
Cleanroom Testing là một phương pháp kiểm thử phần mềm được thiết kế để giảm thiểu lỗi từ quá trình phát triển. Phương pháp này áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt để đảm bảo rằng quá trình kiểm thử diễn ra trong một môi trường sạch sẽ và kiểm soát, giảm thiểu sự xuất hiện của lỗi và nâng cao chất lượng.
Tuy nhiên, loại test này thường chỉ có thể được thực hiện bởi người có kiến thức lý luận thống kê, kiến thức thiết kế và kiến thức toán học.
Localization Testing (Kiểm thử bản địa hóa)
Nếu trò chơi được sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Việt nhưng hướng đến phát hành trên nhiều quốc gia thì bạn cần đảm bảo rằng việc chuyển ngữ không có bất kỳ sai sót nào. Trong trường hợp này, localization testing chính là lựa chọn phù hợp cho các Tester.
Regression Testing (Kiểm thử hồi quy)
Trò chơi thường có thể được cải tiến hoặc thay đổi sau khi đã được phát hành. Theo đó, kiểm thử hồi quy đảm bảo rằng các kết hợp mới hoàn toàn không làm gián đoạn hoạt động của trò chơi. Thông qua kiểm thử hồi quy, kết quả đầu ra mới của kiểm thử có thể được so sánh với kết quả cũ hơn để có cái nhìn chi tiết hơn về những thay đổi.
Công việc của Game Tester là gì?
Thông thường, các công ty phát triển trò chơi sẽ giao cho các Game Tester các video game và yêu cầu kiểm thử. Tùy thuộc vào đặc tính của trò chơi mà thời gian kiểm thử có thể khác nhau. Công việc kiểm thử trò chơi này yêu cầu các Tester phải có sự tập trung, tỉ mỉ và và kiên trì.
Trong mỗi trò chơi, việc Game Tester là phải chơi qua mỗi cấp độ và thử mọi trường hợp có thể xảy ra trong trò chơi. Nếu game có nhiều nhân vật, công việc của Tester là kiểm thử từng nhân vật và tương tác của họ với nhân vật khác ở mọi cấp độ trò chơi. Điều này có thể kéo dài đến hàng trăm thậm chí hàng nghìn giờ để kiểm thử tất cả trường hợp có thể xảy ra khi trò chơi đang hoạt động. Trong thời gian đó, các Tester có thể phải chơi lại trò chơi nhiều lần và tạo bản ghi chi tiết về quá trình kiểm thử của họ.
Ngoài ra, quy trình kiểm thử trò chơi có thể thay đổi tùy vào loại hình kiểm thử.
Dưới đây là những công việc mà bạn thường phải đảm nhận khi trở thành một Game Tester. Tuy nhiên, những nhiệm vụ này có thể được thay đổi tùy vào cấp bậc, đặc thù công việc và những yêu cầu từ phía các công ty phát triển game.
- Chơi thử toàn bộ trò chơi và ghi lại các kết quả kiểm thử như tốc độ, flow (dòng chảy) của trò chơi,…
- Thực hiện các kiểm thử liên tục trên tất cả các trò chơi phát hành trước để xác minh chức năng và tìm lỗi
- Kiểm thử các phiên bản khác nhau của trò chơi trên các thiết bị khác nhau như PC và console, laptop hoặc các thiết bị mobile với cấu hình và các hệ điều hành khác nhau
- Đánh giá tính chính xác và giá trị của trò chơi, hướng dẫn sử dụng và đưa ra tài liệu quảng cáo
- Kiểm tra lỗi chính tả và ngữ pháp, lỗi hiệu ứng,…
- Ghi lại những hạn chế, sai sót của các bước chơi game dẫn đến những sự cố trong game
- Viết báo cáo lỗi, tải chúng lên cơ sở dữ liệu và cung cấp phản hồi chi tiết cho developer
- Chơi lại và kiểm thử lại trò chơi để xác minh rằng developer đã sửa lỗi và kiểm tra xem có lỗi mới nào không
- Đưa ra đề xuất cho game developer để thực hiện các thay đổi nhằm cải thiện trải nghiệm của người dùng
- Làm việc với nhóm đảm bảo chất lượng trong việc tạo ra documentation và hướng dẫn QA
- Nghiên cứu các trò chơi điện tử của đối thủ cạnh tranh và chuẩn bị các báo cáo so sánh và đánh giá
- Đảm bảo tính bảo mật của các trò chơi điện tử mà công ty chưa phát hành trên thị trường
Top 5 kỹ năng quan trọng nhất khi trở thành Game Tester
Để trở thành một Game Tester chuyên nghiệp, bạn cần nắm vững các kiến thức chuyên môn và kỹ năng cần thiết. Dưới đây là 5 kỹ năng quan trọng nhất giúp bạn nâng cao nghiệp vụ cũng như thu hút nhà tuyển dụng để dễ dàng tìm được vị trí công việc như kỳ vọng.
Phát triển các kỹ năng kiểm thử
Phát triển các kỹ năng kiểm thử là yếu tố đầu tiên để trở thành một Game Tester chuyên nghiệp.
Nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu ứng viên thành thạo nhiều kỹ năng kiểm thử như functional testing (kiểm thử chức năng), usability testing (kiểm thử khả năng sử dụng), compatibility testing (kiểm thử khả năng tương thích) và performance testing (kiểm thử hiệu năng).
- Functional testing gồm overall functionality testing hoặc test cases. Video Game Tester thực hiện các bài test này để đảm bảo trò chơi không bị lỗi và hoạt động đúng với những tính năng được dự tính từ ban đầu.
- Usability testing thường được thực hiện để cung cấp những phản hồi cho sản phẩm trong tương lai và phân tích trò chơi cho thiết kế game, tính năng và những vấn đề về khả năng sử dụng.
- Compatibility testing được thực hiện nhằm đảm bảo tính tương thích trên các thiết bị chơi game và phù hợp với nhiều người dùng khác nhau.
- Performance testing là bài kiểm thử rất quan trọng trong quá trình phát triển game. Phương pháp này dùng để kiểm tra tốc độ tải dữ liệu, thời gian phần mềm phản hồi các truy cập, độ ổn định của game,…
Học đi đôi với hành, để nâng cao kỹ năng không điều gì có thể tốt hơn là bạn phải thường xuyên thực hiện các bài kiểm thử. Bên cạnh đó, bạn cần ghi chép và và báo bugs cho developer để tiến hành fix và lưu ý cho những dự án tiếp theo.
Chứng chỉ kiểm thử game
Hiện nay, bằng cấp không phải lúc nào cũng là một yêu cầu bắt buộc trong mô tả công việc của một Game Tester. Tuy nhiên, việc sở hữu cho mình những chứng chỉ liên quan sẽ là sự minh chứng cho kiến thức và trải nghiệm của bạn, đồng thời góp phần nâng cao tính cạnh tranh so với các đối thủ.
Kiến thức về lập trình game
Các kiến thức về lập trình game cũng là một trong những yếu tố quan trọng mà bạn không nên bỏ qua. Biết về ngôn ngữ lập trình game sẽ cho phép bạn xác định các vấn đề và sai sót trong trò chơi.
Bạn có thể tự nghiên cứu các tài liệu liên quan hoặc tham gia các khóa học về C++, Java hoặc Python.
Sự trải nghiệm về game
Nếu bạn muốn trở thành người kiểm thử trò chơi, điều quan trọng là phải biết cách chơi trên nhiều nền tảng và thiết bị. Đồng thời, bạn phải chơi được đa dạng các thể loại trò chơi, từ game nhập vai, game chiến thuật, game hành động cho đến game học tập, game thể thao. Đồng thời, bạn phải chơi thành thạo trên các thiết bị điện tử khác nhau như máy tính, điện thoại, Playstation, v.v.
Kiến thức thu được từ việc chơi nhiều bộ trò chơi khác nhau trên nhiều hệ thống trò chơi khác nhau sẽ giúp bạn hiểu được cơ chế chơi trò chơi và dễ dàng phát hiện ra bugs hơn.
CV ấn tượng
Khi đã có nền tảng chuyên môn vững chắc, việc tiếp theo bạn cần làm là nâng cao ấn tượng với các nhà tuyển dụng thông qua CV của mình. Hãy tạo cho mình một CV Game Tester chuyên nghiệp, làm nổi bật các kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm của mình. Bên cạnh đó, khi ứng tuyển, bạn đừng quên đính kèm một cover letter thể hiện sự hứng thú và mong muốn được làm việc với nhà tuyển dụng.
Đọc thêm: Tạo CV Game Tester ấn tượng trên ITviec
Các câu hỏi về Game Tester thường gặp
Game Tester nên có những chứng nhận gì?
Game Tester cần có các chứng nhận như:
- Certified Software Tester (CSTE): Là chương trình chứng nhận chuyên nghiệp được cung cấp bởi Viện Đảm bảo Chất lượng (QAI).
- ISTQB Certified Tester Foundation Level (CTFL): Đây là chứng chỉ kiểm thử phần mềm quốc tế, được thiết kế để cung cấp sự hiểu biết cơ bản về kiểm thử phần mềm cũng như các nguyên tắc, phương pháp và kỹ thuật được sử dụng trong kiểm thử phần mềm.
- Microsoft Technology Associate – Gaming (MTA Gaming): Gaming (MTA Gaming) là một chương trình chứng nhận được thiết kế để giúp các cá nhân tìm hiểu các nguyên tắc cơ bản về phát triển và thiết kế trò chơi. Chứng chỉ MTA Gaming bao gồm hai kỳ thi: Kỳ thi 98 – 388, giới thiệu về lập trình sử dụng ngôn ngữ dựa trên khối và kỳ thi 98 – 389, giới thiệu về lập trình sử dụng HTML và CSS.
- ASTQB Mobile Application Testing Professional Certification (MATP): Đây là một chương trình chứng nhận được thiết kế để công nhận kiến thức và kỹ năng của người kiểm thử ứng dụng di động. Chứng chỉ chứng minh một cá nhân có các kỹ năng và kiến thức cần thiết để kiểm thử hiệu quả các ứng dụng di động trên nhiều nền tảng khác nhau.
- Certified Agile Tester (CAT): Đây là chương trình chứng nhận được phát triển bởi Ủy ban Chứng nhận Kiểm thử Phần mềm Quốc tế (ISTQB) để công nhận các chuyên gia có chuyên môn về kiểm thử linh hoạt.
Có những lựa chọn nghề nghiệp nào khác dành cho Game Tester?
Game Tester có nhiều lựa chọn phát triển nghề nghiệp như:
- Game Designer: Với những kiến thức và kinh nghiệm, bạn có thể trở thành một Game Designer, chịu trách nhiệm tạo ra nội dung, quy tắc, cấp độ trò chơi,…
- Game Developer: Sự am hiểu và trải nghiệm qua nhiều trò chơi khác nhau sẽ là ưu điểm lớn giúp bạn trở thành Game Developer chuyên nghiệp.
- UX Designer: Các kỹ năng phân tích bạn đã đạt được trong quá trình kiểm thử trò chơi sẽ giúp bạn có thể phát triển theo hướng UX Designer.
- IT Support: Trong quá trình kiểm thử, sự am hiểu về các tính năng sẽ trở thành lợi thế nếu Game Tester muốn chuyển hướng trở thành IT support.
- Project Manager: Khi bạn có nhiều năm kinh nghiệm, trải qua nhiều cuộc kiểm thử thì đã đến lúc cân nhắc cho các vị trí quản lý dự án để có cơ hội chứng minh năng lực của mình.
Tổng kết về Game Tester
Game Tester là một trong những vị trí có nhiều tiềm năng phát triển và sự lựa chọn về cơ hội nghề nghiệp cho các Tester. Tuy nhiên, để trở thành một người kiểm thử trò chơi chuyên nghiệp, bạn cần trang bị những kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm vững chắc. Điều quan trọng là không ngừng thực hành với nhiều game khác nhau trên các nền tảng khác nhau, đây chính là cách thức hiệu quả để bạn nâng cao kỹ năng của mình.
Hy vọng rằng những chia sẻ về Game Tester đã mang đến cho bạn những kiến thức hữu ích về ngành nghề kiểm thử Game cũng như những điều kiện cần để trở thành Game Tester.