Product Owner là người “sở hữu” sản phẩm. Họ chịu trách nhiệm giải quyết những vấn đề của end-user, từ đó vận hành và cải tiến sản phẩm để đạt được mục tiêu kinh doanh của công ty.

Đọc bài phỏng vấn của ITviec với anh Nguyễn Đức Đông Hiếu, Product Owner tại Chợ Tốt, để biết:

  • Công việc của Product Owner là gì?
  • Product Owner khác gì Product Manager, UX Designer?
  • 3 nguyên tắc quan trọng nhất khi phát triển sản phẩm

Xem việc làm Product Owner tại ITviec

Product Owner là gì, anh có thể định nghĩa ngắn gọn?

Product Owner là người “sở hữu” sản phẩm. Họ chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan đến sản phẩm và end-user, đồng thời vận hành, cải tiến sản phẩm để đạt được mục tiêu kinh doanh của công ty.

Dù ở công ty product hay công ty outsourcing thì Product Owner cũng là nhân tố quan trọng nhất quyết định đến các tính năng của sản phẩm. Họ phải có tầm nhìn dài hạn, phải hiểu rất rõ về sản phẩm của mình và luôn đặt mình vào vị trí của end-user trước khi đưa ra quyết định.

product-owner-la-gi

Anh Hiếu (thứ 2 từ phải sang) cùng đồng nghiệp

Điểm khác nhau giữa Product Manager và Product Owner là gì ?

Ở Việt Nam, Product Owner/Manager/Specialist/Executive… không phải là những chức danh “chuẩn” tương ứng với từng nấc thang trong một nhánh nghề nghiệp. Chúng sẽ thay đổi tùy theo cấu trúc công ty, cũng như quy mô dự án.

Ví dụ, tại Chợ Tốt có các cấp bậc: Product Director, Senior Product, Product Specialist.

Cho nên, khi tìm chốn “nương thân”, bạn nên đọc kĩ mô tả chứ đừng chỉ nhìn vào job title (cười).

Từ kinh nghiệm cụ thể của mình tại Chợ Tốt cũng như Zalo, thì Product Manager và Product Owner khác nhau về phạm vi, tính chất công việc:

  • Product Manager là người giải quyết những vấn đề mang tính chất tổng quan, chiến lược của sản phẩm. Ví dụ như tầm nhìn, định vị sản phẩm trong thị trường, làm product roadmap .v.v…
  • Product Owner là người giải quyết những vấn đề thực tế của user khi sử dụng sản phẩm. Từ đó vận hành/cải tiến sản phẩm nhằm đạt được KPI kinh doanh của công ty.

Product Owner có thể coi là “Product Manager” của một/vài sản phẩm nhỏ nằm trong sản phẩm lớn.

Ví dụ, tại Chợ Tốt, mỗi Product Specialist (tương đương Product Owner) phụ trách mỗi mảng riêng. Mỗi người sẽ giải quyết những vấn đề khác nhau của user như đăng tin, đề xuất món hàng phù hợp, hỗ trợ người bán chuyên nghiệp mở shop…

Xem thêm Product Manager là gì? Nhiệm vụ của Product Manager?

Việc làm Product Manager TPHCM

Việc làm Product Manager Hà Nội

Vậy những công việc của Product Owner là gì?

  • Theo dõi “sức khỏe” của sản phẩm thông qua số liệu/phản hồi của user. Từ đó tìm ra các vấn đề cần sửa chữa/cải tiến.
  • Làm user research, bao gồm cả phỏng vấn trực tiếp user, để chắc chắn những vấn đề nêu trên thực sự là vấn đề (không phải phỏng đoán).
  • Đưa ra giải pháp. Kết hợp với UX Designer để vẽ wireframe, với UI Designer để “khoác áo” cho thiết kế. Làm specifications để diễn giải thiết kế cho đội ngũ phát triển (dev, QA).
  • Lên timeline và kế hoạch release. Tùy vào quy mô của tính năng sản phẩm mà có thể chia làm nhiều giai đoạn release nhỏ.
  • Sau khi release, tiếp tục theo dõi các chỉ số, và lặp lại quy trình nói trên.

Bạn có thể tham khảo thêm vai trò của Product Owner là gì trong quy trình Scrum minh họa sau:

product-owner-la-gi-process

Tìm hiểu thêm về Agile và Scrum.

Việc làm Product Owner TPHCM

Việc làm Product Owner Hà Nội

3 nguyên tắc quan trọng nhất khi phát triển sản phẩm?

1. Đề cao sự rõ ràng (clear, but not fancy).

Nghĩa là sản phẩm phải đơn giản, dễ hiểu, dễ sử dụng và đúng mong đợi của user. Thay vì đẹp nhưng rắc rối, khó hiểu, khó dùng.

2. Mọi quyết định phải dựa trên số liệu (data driven).

Người làm product đôi khi mắc bệnh “áp đặt”. Nghĩa là thiết kế sản phẩm dựa trên mong muốn/ý thích của cá nhân chứ không phải nhu cầu thực tế của user. Cho nên, nguyên tắc tối quan trọng trong phát triển sản phẩm là:

  • Ý tưởng phải xuất phát từ thực tế nghiên cứu thị trường, phân tích dữ liệu.
  • Sau đó, phải phản biện ý tưởng một lần nữa thông qua nghiên cứu, phỏng vấn trực tiếp user. Từ đó, chứng minh ý tưởng đó thực sự là một vấn đề cần giải quyết, chứ không phải chỉ là một giả thuyết/suy đoán.

Khi phỏng vấn user, nên áp dụng kĩ thuật “câu hỏi đuổi” (5 whys) để “đào” thông tin.

3. Thiết kế cho mọi người, nhưng TẬP TRUNG vào đối tượng trung cấp (intermediates).

Nếu hướng đến người dùng sơ cấp (beginner), thì sản phẩm dễ khiến người dùng trung/ cao cấp (intermediates/experts) cảm thấy nhàm chán, bị làm phiền.

Ngược lại, thiết kế đặt experts làm trọng tâm sẽ khiến beginner khó hiểu, khó sử dụng.

Cho nên, mục tiêu của người thiết kế sản phẩm là hướng đến intermediates. Đồng thời hỗ trợ beginner dần chuyển sang nhóm intermediates/experts.

Ngoài 3 nguyên tắc trên, Hiếu cũng muốn nhấn mạnh thêm 2 lưu ý:

  • Sản phẩm phải thân thiện, luôn có sự phản hồi/giao tiếp với người dùng.

Ví dụ, khi đăng nhập, nếu user nhập sai username/password thì hệ thống BẮT BUỘC phải thông báo cho user biết là họ đã sai ở đâu.

Nếu không, user sẽ không hiểu, không thao tác tiếp được. Họ sẽ bực bội, thậm chí ngừng sử dụng sản phẩm luôn.

  • Người làm product phải biết “thông cảm” với user.

Bởi vì mình là người làm ra sản phẩm nên với mình thì mọi thứ có thể rất đơn giản rõ ràng. Nhưng không có nghĩa user cũng cảm thấy như vậy.

Ngoài ra, khi tìm hiểu kĩ những vướng mắc của user, mình sẽ chắt lọc được nhiều thông tin quý giá để cải tiến sản phẩm.

Ví dụ, lần đầu tiên thực hiện phỏng vấn trực tiếp user, Hiếu đã rất bực mình khi thấy user loay hoay mãi mà không đăng được tin rao bán nhà. Họ cứ than: đăng tin khó quá, nhiều bước quá, không biết phải làm gì tiếp theo.

Mình thì nghĩ bụng: trời ơi, thì bấm “Tiếp tục”, rồi điền thông tin như yêu cầu, cứ thế mà đi tiếp chứ có gì đâu.

Nhưng nghĩ như vậy là sai. Bởi vì sau đó, lúc phỏng vấn kĩ hơn, thì hóa ra user là người bán cá nhân, lần đầu tiên đăng tin rao vặt. Thành ra họ cảm thấy mệt khi phải thực hiện quá nhiều bước.

Từ đó, Hiếu bèn cải tiến lại form đăng tin, chia làm 2 flow cho 2 đối tượng khác nhau là người bán cá nhân và người bán chuyên nghiệp. Flow đăng tin cho người bán cá nhân thì cần đơn giản, ít bước, ít thao tác hơn.

Thách thức lớn nhất đối với một Product Owner là gì?

Không chỉ Hiếu, mà có lẽ nhiều bạn làm product khác cũng từng đối diện cơn ác mộng mang tên “traffic lên không hiểu vì đâu, traffic xuống cũng chẳng hiểu vì sao”.

Có lần, số lượng tin đăng bị rớt tới 25%. Cả team bò ra test trên đủ loại thiết bị, ở đủ các danh mục mà vẫn không tìm ra nguyên nhân là gì, bị dính bug ở đâu.

May sao, lúc mình mở private browser ra để thử đăng nhập, đăng tin như user mới hoàn toàn, thì phát hiện ra là hệ thống đẩy mình qua một phiên bản khác thuộc môi trường staging (nội bộ nhưng chưa giới hạn cho người dùng public) mà không record.

Vậy là, chiều thứ 7 hôm đó, anh em Chợ Tốt cùng mở máy hot fix thôi.

Nhưng lần đó chỉ là may mắn ngẫu nhiên. Và không phải lúc nào mọi thứ cũng hiển thị lồ lộ trên UI hoặc số liệu. Cho nên, theo Hiếu, thách thức lớn nhất là tìm ra được nguyên nhân của vấn đề.

Để “chiến đấu” với thách thức này, thì mình phải ăn, ngủ, sống với sản phẩm. Phải theo dõi sát sao các chỉ số hàng ngày, đặc biệt là mỗi lần release tính năng mới (vì có thể ảnh hưởng đến những flow tiếp theo).

Ngoài ra, Hiếu nghĩ càng dày dạn kinh nghiệm phát triển sản phẩm thì mình cũng sẽ càng “nhạy” hơn trong việc tìm nguyên nhân vấn đề.

Cơ duyên giúp anh đi theo nghề Product Owner là gì?

Mình may mắn theo học Đại học ngành Business Computing Systems – “lai” giữa thương mại/kinh doanh và kỹ thuật.

Ngoài ra, 5 năm sống ở Anh, mình cũng là active seller trên eBay. Từ đó tích lũy được một số kinh nghiệm giao tiếp với người mua. Nhờ vậy, mình có cái nhìn tổng quan hơn về cả hai hướng ngành thương mại/kỹ thuật; cũng như hiểu rõ bản thân cần/muốn gì hơn.

Mình xác định ngay từ đầu là sẽ không đi theo coding. Lý do là vì 1) không phù hợp 2) khi tìm hiểu, thấy tuổi nghề của coder chỉ chừng 10 năm 3) rất nhiều coder đang dần chuyển hướng sang làm product/user experience.

Xem thêm 30 tuổi có phải là quá già cho Developer?

Khi về Việt Nam, công việc đầu tiên của mình là UX Designer cho một sản phẩm HR tool. Sau 1 năm làm UX, mình nhận thấy đây đúng là định hướng mình thích. Tuy nhiên, sản phẩm HR tool thì chỉ phục vụ nội bộ doanh nghiệp nên không có lượng người dùng “khủng”.

Mình bèn nộp đơn qua Zalo để được làm sản phẩm massive-userbase. (Thời điểm tháng 5/2015, Zalo có khoảng 30 triệu người dùng). Thời gian làm ở Zalo Chat chỉ 6 tháng, nhưng mình đã học được rất nhiều từ các đàn anh về việc vận hành, cải tiến sản phẩm để phục vụ mục tiêu kinh doanh của công ty.

Đặc biệt, cũng thời gian này, mình tham gia nhóm Product and UX trên Facebook . Nhóm này có hơn 4300 thành viên, chủ yếu là 5-6 năm kinh nghiệm làm UX vì nghề này còn rất mới, chỉ có một vài anh đạt 9-10 năm kinh nghiệm.

Được truyền lửa, được trải nghiệm rất nhiều sản phẩm mới trong cộng đồng UX, mình càng nhận ra đam mê với nghề làm product.

Và mình chọn Chợ Tốt làm điểm dừng chân tiếp sau đó vì 1) mình được theo đuổi đam mê làm product 2) Chợ Tốt là một massive-usebase 3) Chợ Tốt theo định hướng eCommerce, phù hợp với sở thích “buôn bán” của mình.

product-owner-la-gi-2

Anh Hiếu và đồng nghiệp trong team Product, Design tại Chợ Tốt.

Anh từng làm UX Designer trước khi trở thành Product Owner. Vậy hai vị trí này giống/khác nhau ra sao?

1. Giống:

Hai vị trí này có nhiều điểm tương đồng về mục tiêu công việc: cả hai đều phải am hiểu user, để từ đó cải tiến sản phẩm nhằm giải quyết các vấn đề mà user gặp phải.

Về công việc cụ thể, thì cả UX Designer và Product Owner đều phải làm user research và vẽ wireframe (cười).

2. Khác:

  • UX Designer quan tâm nhiều hơn đến trải nghiệm của user trên sản phẩm. Đôi khi, họ cũng kiêm thêm việc design UI, thử nghiệm sản phẩm với user thật trước khi launching.

Còn Product Owner thì quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển/cải tiến các tính năng.

Ví dụ: Với hành vi lọc kết quả đồ điện tử trên Chợ Tốt.

UX designers sẽ phải hiểu được sự khác biệt về patterns của web và app khi users thực hiện hành vi này nhưng vẫn mang lại trải nghiệm đồng nhất giữa các platform.

Product Owner sẽ kiêm thêm việc đặt ra mục tiêu đạt chỉ số lead/visits tăng từ user vào Chợ Tốt tìm mua đồ điện tử.

  • UX Designer phải vẽ thành thạo các loại wireframes với các mục đích khác nhau.

Product Owner thì tập trung vào viết user stories/specifications cho dev/QA để đảm bảo khi hoàn thành, sản phẩm sẽ đúng như thiết kế của UX Designer và giải quyết được bài toán của user.

  • UX Designer rất hạn chế làm việc trực tiếp với dev/QA/stakeholders. Họ cũng không lên kế hoạch release sản phẩm, hoặc viết user stories. Đây là phần việc của Product Owner.

Trong một quy trình phát triển sản phẩm chuẩn mực, thì Product Owner sẽ quản lý tiến độ sản phẩm. UX Designer vẽ wireframe và test với người dùng thực tế trên phiên bản thử nghiệm hoàn chỉnh. Sau đó chuyển qua UI Designer để “khoác áo” lên thiết kế cho đẹp, rồi mới đến đội ngũ kĩ thuật để hiện thực hóa.

Xem thêm UX UI là gì?

Sai lầm “nhớ đời” của anh với cương vị Product Owner là gì?

Hiếu từng phạm phải một sai lầm “hết hồn chim én” (cười).

Lần đó, Hiếu release flow đăng tin mới cho danh mục đồ điện tử (sellers post ad) thì gặp vấn đề: người dùng phiên bản cũ chưa cập nhật Android/iOS không thể đăng tin, do cấu trúc dữ liệu khác nhau.

Hậu quả là chỉ số Android app giảm liên tục 3 ngày, mỗi ngày 5-10%.

Ban đầu, Hiếu tìm mãi không ra nguyên nhân, vì rõ ràng test phiên bản mới thấy vẫn ổn. Hiếu cầu cứu sếp, thì sếp nói kiểm tra lại tỉ lệ update lên phiên bản mới là nhiêu. 70%. Nghĩa là còn tới 30% user vẫn xài phiên bản cũ! Trời ơi, Hiếu đã quên béng mất họ!

Hiếu vội nhờ QA test lại, rồi cầu cứu Mobile Lead mở lại đầu đăng tin trên phiên bản cũ để “chữa cháy”. Sau đó, gấp rút làm những việc lẽ-ra-phải-làm-từ-trước như: hiển thị thông báo giúp user tiếp cận phiên bản mới, đồng thời có giải pháp trợ giúp user nếu họ vẫn muốn dùng phiên bản cũ.

‘Tội lỗi” này, Hiếu nghĩ một phần do mình còn non, chưa có được cái nhìn tổng thể khi phát triển sản phẩm, chưa làm test case kĩ với QA, chưa quan tâm đầy đủ tới user. Giờ thì “tởn” rồi (cười).

Bài học quan trọng nhất của anh trong vai trò Product Owner là gì?

Bởi vì Product Owner làm việc trực tiếp với phía business cũng như user nên họ hiểu khát vọng, mục tiêu của công ty; cũng như nắm bắt được “tâm sự” của người dùng sản phẩm; biết rõ tại sao cần cải tiến sản phẩm theo hướng như thế này chứ không phải như thế kia.v.v…

Cho nên, chính họ sẽ phải nhận trách nhiệm truyền cảm hứng cho nhóm phát triển (Designer, Developer, QA…) để sản phẩm làm ra đạt được đúng mục đích nhất.

Theo mình, lí tưởng nhất thì Product Owner nên dành 80% thời gian cho việc phát triển sản phẩm (product backlog, timeline, release…). 20% còn lại, Product Owner nên dành cho team (standup meeting hàng ngày, trò chuyện với team về giá trị của sản phẩm…)

Nếu có thể bắt đầu lại, anh có chọn theo đuổi nghề Product Owner không?

Hiện tại thì vẫn chưa tiếc nuối gì khi theo đuổi nghề Product Owner nên nếu chọn lại thì mình vẫn sẽ chọn ngành này.

Cơ bản là từ năm 16 tuổi, Hiếu đã biết tập tành kinh doanh, sau đó bán hàng trên eBay rồi đọc về sự phát triển của eBay. Dần dần thấm đam mê về làm việc theo ý tưởng mới, thiết lập quy trình làm việc.

Lời khuyên anh dành cho các bạn muốn theo đuổi nghề Product Owner?

Product Owner cần có Domain Knowledge + Product skills.

Kĩ năng mềm thì có thể học nhanh trong vài tháng hoặc tham gia vài khoá training ngắn hạn. Tuy nhiên, Hiếu nghĩ domain knowledge cũng rất quan trọng trong nghề Product Owner.

Thêm nữa, “nhìn xa trông rộng” và không ngừng học hỏi là điều bắt buộc khi các bạn muốn trở thành Product Owner.

Ví dụ về thương mại điện tử, 3 năm trước không ai tin được có thể mua hàng xuyên biên giới dễ dàng như bây giờ. Hay như ứng dụng di chuyển Grab – BE, 3 năm trước không ai ngờ được họ đã lấn sân sang mảng Tài chính, gọi đồ ăn hoành tráng như bây giờ.

Ngoài ra, Hiếu cũng đang cải thiện về cách truyền đạt suy nghĩ, thuyết trình về một vấn đề một cách súc tích. Một vấn đề thực tế mà các lập trình viên hay gặp phải đó là đọc không hiểu – nghe không trôi những gì Product Owner truyền đạt.

Hiếu phải viết ra và tổng hợp những ý kiến + follow-up (theo dõi) thường xuyên với các bạn lập trình và business owner (sếp) để kết quả kinh doanh được tốt hơn theo tuần, tháng, quý của năm.

Có điều gì mà gần đây anh mới nhận ra về nghề và anh ước là giá như mình biết sớm hơn?

Ước gì mình biết code (cười) – để làm nhiều thứ hơn.

Tài liệu tham khảo hữu ích cho Product Owner?

Tiểu sử: Anh Nguyễn Đức Đông Hiếu tốt nghiệp Đại học Northampton (Anh) năm 2013, chuyên ngành Business Computing Systems.

Sau đó, anh trở về Việt Nam và bắt đầu sự nghiệp với công việc UX Designer tại Orient Software.

Tiếp đó anh đầu quân cho Zalo (thuộc VNG Corporation) với vị trí Associate Product Executive.

Hiện tại, anh Hiếu đảm nhiệm vị trí Product Owner tại Chợ Tốt.

Robby2

Nếu bạn nghĩ những chia sẻ này có thể giúp ích cho bạn bè hoặc đồng nghiệp thì đừng ngại nhấn nút Share bên dưới nhé!

Và tham khảo ngay việc làm Product Owner tại ITviec!