Manager là gì? Và các tố chất để trở thành một lãnh đạo giỏi là gì? Hãy để hai IT Manager với hơn 7 năm kinh nghiệm “thực chiến” giải đáp cho những nhà quản lý tương lai nhé.

“Manager là người không nên gò bó mình quá nhiều vào các dòng code. Hãy để ý nhiều hơn vào quy trình hoạt động của team và tìm hiểu làm sao để các thành viên trong team có thể làm việc với nhau tốt nhất.”

Cách tốt nhất để trở thành Manager là gì? Hãy học hỏi từ những manager giỏi. ITviec đã có một buổi trò chuyện với anh Nguyễn Minh Thắng – General Manager của Open Digital và anh Lê Trường Vĩnh Phú – Country Manager của Knorex Việt Nam để nghe hai anh chia sẻ về những công việc hằng ngày của một Manager là gì và những lời khuyên được đúc kết từ chính kinh nghiệm bản thân.

Xem thêm việc làm Manager trên ITviec

Trách nhiệm và công việc hằng ngày của một Manager là gì?

Công việc hằng ngày của một Manager là gì? Anh Minh Thắng chia sẻ về công việc hằng ngày cũng như trách nhiệm của anh với vai trò General Manager, bao gồm:

Kiểm tra công việc của các team

Là một Manager, anh phải luôn kiểm tra công việc có khớp với mục tiêu và chiến lược của công ty không.

Xem xét các thang đo đánh giá về chất lượng và hiệu suất công việc

Manager cũng cần kiểm tra các thang đo để đánh giá chất lượng công việc của các team nói chung và từng thành viên nói riêng. Đồng thời xem xét các kết quả đo đạc performance. Thành quả tới đâu, còn những hạn chế gì, và anh có thể làm gì để phát triển team cũng như cá nhân, ví dụ như kế hoạch training cho các bạn.

Hằng tháng, anh đều nhận được báo cáo từ các Technical Manager. Thỉnh thoảng báo cáo đó nói là trong tháng vừa qua các bạn Developer đã được training kỹ thuật A và bạn Technical Manager nghĩ là nó có hiệu quả trong dự án nên đề nghị đào tạo sâu hơn kỹ thuật này.

Anh đã hỏi lại ngay “dựa trên nền tảng nào mà em bảo hiệu quả?” vì mình cần đưa ra quyết định dựa trên số liệu.

Sau đó, do không nhận được câu trả lời mong muốn, anh đã hướng dẫn bạn đó cách đo đạc hiệu quả của việc training: Hằng tháng, em đo performance của team theo tiêu chí gì? So sánh tiêu chí đó của các tháng, em thấy nó lên/ xuống ra sao?

Kiểm tra, giám sát và đưa ra giải pháp, quyết định

Đồng tình với trách nhiệm trên, anh Thành Phan – Head of R&D Atlassian Việt Nam đã từng chia sẻ về Một manager tốt biết rằng giải quyết vấn đề con người hoàn toàn khác giải quyết vấn đề viết code. Bạn phải bớt cứng nhắc và linh động hơn.

Những tố chất quan trọng đối với Manager là gì?

Một người Manager có thể có nhiều tố chất, nhưng những tố chất quan trọng nhất với một Manager là gì? Theo anh Minh Thắng chia sẻ, anh tin rằng một Manager tốt nên sở hữu những tố chất sau:

Manager cần biết tôn trọng người khác và công bằng

Anh Thắng kể về một lần anh triển khai quy định về việc làm thêm giờ (OT), team làm dự án Java của anh đã làm thêm giờ trong 3 ngày vì trễ tiến độ dự án do team đánh giá thấp dự án, và team đề nghị tính OT.

Nhưng anh Thắng thấy nếu tính OT cho họ sẽ không công bằng với team mà cũng làm thêm giờ nhưng là do khách hàng thay đổi requirement. Cuối cùng, anh giải quyết bằng cách tính ngày nghỉ bù cho team đó.

manager-la-gi-3
Anh Thắng đứng thứ 3 từ trái sang

Tầm nhìn tốt

Trước tiên, với tư cách là một Manager, nhà quản lý phải hiểu mục đích của công ty là gì, từ đó mới lên kế hoạch cho team mình hoạt động để hỗ trợ công ty đạt được mục đích đó.

Lúc trước khi anh làm PM ở một công ty outsourcing thì tầm nhìn và sứ mệnh của công ty đó là phải làm khách hàng thỏa mãn, dự án hiệu quả, đem lại lợi nhuận tối đa. Khi đó có một khách hàng đòi thêm yêu cầu mới nhưng không chịu trả thêm tiền.

Anh biết khách hàng này rất lớn, mang lại nhiều tiềm năng lợi nhuận cho công ty nên anh đã đề nghị làm thêm những yêu cầu của họ miễn phí. Kết quả là sau dự án đó, công ty anh nhận được thêm năm dự án lớn nữa từ khách hàng này.

Giao tiếp tốt

Khả năng giao tiếp bao gồm khả năng giải thích và thuyết phục. Giao tiếp tốt nghĩa là bạn phải truyền đi được một thông điệp rõ ràng và nó phải mang tính thuyết phục, phải phù hợp với đối tượng tiếp nhận.

Khi họp về tình hình hoạt động của công ty với nhóm các bạn Developer thì anh không dùng các chữ viết tắt khi nói về các mô hình hoặc là KPI như là CSS (critical success factor). Các bạn Developer sẽ không hiểu và cũng không biết làm sao anh tính được.

Thay vào đó, anh nói những số liệu rất cơ bản. Ví dụ như tình hình sử dụng nhân sự của chúng ta trong năm vừa qua, chúng ta chỉ tận dụng được 50% nguồn nhân lực.

Ngoài việc thuyết phục, giao tiếp tốt còn được thể hiện ở thái độ của người Manager khi giao tiếp. Anh Thắng chia sẻ thêm về ví dụ anh đã có nhắc đến ở trên:

Một việc thường ngày của anh là cân nhắc xét duyệt OT. Trong trường hợp team yêu cầu OT mà anh cảm thấy không duyệt được vì lí do như anh có kể ví dụ ở đầu bài thì anh giải thích cho team hiểu với thái độ giao tiếp chân thành. Không phải chỉ nói không duyệt là xong.

Phân tích và giải quyết vấn đề thấu đáo

Do từng trải qua nhiều vị trí nên anh hiểu được bản chất công việc của từng vị tríbiết được những rủi ro tiềm tàng và các lỗi thường xảy ra trong quá trình hoạt động nhóm giữa Developer, Project ManagerBusiness Analyst… để đưa ra biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tối đa rủi ro.

Anh Thắng vẫn thường dặn các bạn PM là:

Trước khi làm dự án, phải phân tích khả năng team, môi trường dự án, yếu tố rủi ro, và theo dõi tiến độ thường xuyên dựa trên những tiêu chí có số liệu rõ ràng. Từ đó mới kết luận là dự án team mình có ổn hay không, đo đạc hiệu quả của công việc.

Lời khuyên dành cho các bạn muốn trở thành Manager

Khi được hỏi “Bí quyết thành công của Manager là gì?”, anh Thắng và anh Phú chia sẻ về hai lời khuyên từ chính rất nhiều bài học lớn bé khác nhau mà hai người đã trải qua:

Nên quan sát mọi thứ xung quanh và học hỏi

Từ khi còn là Java Developer, anh Thắng đã không ngừng quan sát và học hỏi. Theo anh, học hỏi ở đây không chỉ về kỹ thuật mà còn là quan sát các bạn trong team mình có gì hay về cách suy nghĩ, cách giải quyết vấn đề, về tư duy của họ thì anh học.

Ngoài ra, anh tìm hiểu thêm vai trò, trách nhiệm của các bạn khác trong team để phối hợp tốt hơn.

Các đồng nghiệp trong công ty anh Thắng
Các đồng nghiệp trong công ty anh Thắng

Hiểu được đam mê và thứ mình muốn đạt được

Đây chính là lời khuyên từ anh Vĩnh Phú. Anh cho rằng đam mê hay mục tiêu không cần phải cao siêu, mà hãy là những gì thực tế. Từ đó lên kế hoạch từng bước thực hiện cho dù đó là bạn muốn trở thành Developer giỏi, bạn muốn đi du học, bạn muốn tích lũy được 1 tỷ trong vòng 5 năm,…

Đọc ngay bài viết Làm sao để trở thành Developer giỏi?

Cách tốt nhất để hiểu được đam mê bản thân muốn đạt được và lên kế hoạch kỹ càng hơn, theo anh Thắng, hãy nhìn vào hình mẫu lý tưởng Manager của bạn là ai, từ đó hiểu được kỹ hơn công việc, thái độ của một Manager là gì.

Với anh, đó là chị là Direct Manager của anh ở Singapore. Anh thấy cách làm việc của chị ấy rất hiệu quả và được lòng người nên anh học về phong cách quản lý, cách tiếp nhận – giải quyết vấn đề, cách giao tiếp với team. Trong quá trình học, có những thứ không phù hợp với cá tính của anh thì anh điều chỉnh.

Chủ động trong việc học và việc làm

Hãy chủ động tìm hiểu vai trò trách nhiệm và kỹ năng của vị trí mình muốn đạt được, cụ thể là trách nhiệm của vị trí Manager là gì. Sau khi đã tìm hiểu kỹ càng, hãy tự học và xung phong nhận việc liên quan đến kỹ năng đó để tự rèn luyện.

Khi có cơ hội nói chuyện với cấp trên về việc lên chức Manager, bạn có thể chứng minh khả năng của mình bằng việc kể ra những thành quả đạt được với kỹ năng liên quan. Từ đó, cấp trên có cơ sở tin tưởng và giao việc.

Điểm quan trọng nhất của 3 điều nói trên là em phải nỗ lực hàng ngày và em phải chấp nhận đau thương, trải qua nhiều khó khăn, thất bại, bởi vì NO PAIN NO GAIN (tạm dịch: Không cực nhọc, không quả ngọt).

– Anh Nguyễn Minh Thắng

Về tính chủ động, anh Vĩnh Phú cũng chia sẻ rằng bạn nên bắt đầu sớm.

Nếu là sinh viên bắt đầu đi làm ngay khi còn trong trường đại học. Bạn vừa có được một vài năm kinh nghiệm trước mọi người lại được tích luỹ những kiến thức lập trình thực tế.

Manager cần giao tiếp thường xuyên

Giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp. Developer ở Việt Nam không chỉ yếu tiếng Anh mà còn ít chịu khó giao tiếp và hay giấu điểm yếu. Anh Thắng chia sẻ rằng anh phải mất một thời gian cố gắng mới cải thiện được khả năng giao tiếp của mình.

Ngoài ra, bạn hãy tập thói quen nhìn nhận điểm mạnh ở người khác, vì chúng ta thường giỏi phê bình hơn ghi nhận. Tập khách quan đánh giá bản thân mình, nhất là điểm yếu, vì chúng ta không giỏi trong việc tự phê bình. Đó là kỹ năng quan sát và nhận định cần thiết mà một Manager tương lai cần có.

Manager không nên ôm đồm nhiều thứ

Đây là câu chuyện của anh Thắng. Cách đây khoảng hơn một năm, anh Thắng làm PM (Project Manager) cho một dự án lớn cho thị trường Mỹ.

Trong cả tháng, anh phải làm việc mà OT cực kì nhiều, hi sinh cả cuộc sống cá nhân, và cuộc sống gia đình.
Dự án đó rất gấp và bản thân dự án lại có nhiều khó khăn cần giải quyết. Anh thường xuyên làm đến 3-4 giờ sáng mới về nhà.

Có nhiều bữa anh ngại về trễ bấm chuông phiền mọi người nên anh ngủ ngoài đường, rồi buổi sáng chạy về thay đồ rồi lại đi làm, khoảng 9-10 giờ có mặt tại công ty.

Trải qua những thử thách này, anh Thắng dần học cách sắp xếp thứ tự công việc hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng khoa học hơn. Những việc quan trọng và gấp thì làm trước. Những dự án phù hợp với mục tiêu phát triển của công ty cũng làm trước.

Theo anh, trong một thời điểm, chỉ nên triển khai một kế hoạch và theo nó đến tận cùng, đi sâu sát để đảm bảo chất lượng đạt được tối đa.

Tài liệu tham khảo về Managing

Để trở thành Manager, hai nhân vật khuyên các bạn nên đọc và học hai quyển sách sau:

Manager trong ngành IT nói gì?

Là một quản lý không có nghĩa là bạn sẽ không phạm sai lầm. Trái ngược lại, bởi vì phạm nhiều sai lầm và biết cách rút kinh nghiệm và sửa đổi mới giúp bạn trở thành một quản lý

Anh Vĩnh Phú và anh Minh Thắng sẽ chia sẻ về những sai lầm mà hai anh đã mắc phải và bài học anh rút ra được khi đang ở tại cương vị Manager là gì.

Manager cần cản thận sai lầm trong tuyển dụng

Anh Vĩnh Phú chia sẻ rằng vào khoảng thời gian đầu thành lập Knorex Việt Nam, chỉ cần phỏng vấn được ứng viên có chuyên môn kha khá là anh gửi offer ngay.

Tham khảo: Lương ngành công nghệ thông tin

Lúc đó anh nghĩ sẽ tập trung cải thiện những điểm yếu của họ sau.

Anh đã sai.

Kết quả là hiệu suất của team đi xuống, cách quản lý mất nhiều thời gian. Các ứng viên này không phù hợp với team và sau một thời gian thì họ nghỉ. Chính điều này đã bắt anh Phú phải thay đổi trong tư duy quản lý.

Mấu chốt ở đây, anh đã không tự hỏi và trả lời: ĐIỂM MẠNH của các ứng viên này là gì? Tìm người có điểm mạnh bổ sung cho các thành viên khác trong team sẽ đẩy team đi lên.

Điểm mạnh mới chính là thứ Manager cần phải nhìn thấy để ra quyết định tuyển dụng. Còn nhìn vào điểm yếu của từng người và nghĩ về cách giúp họ cải thiện chỉ là thứ yếu.

Bài học mà anh rút ra được cho mình chính là đã là một Manager thì anh phải build team dựa trên ĐIỂM MẠNH của từng thành viên, chứ không phải tập trung vào khắc phục điểm yếu.

Anh Phú (đứng giữa) và các nhân viên Kronex

Manager có nên làm những việc không có trong phạm vi của mình?

Anh Thắng chia sẻ rằng trước khi quyết định có nên làm những công việc ngoài phạm vi của mình hay không (chắc chắn sẽ có đôi lần bạn được yêu cầu phải làm những việc này), thay vì đặt câu hỏi “mình được lợi gì từ những đóng góp thêm này” như một thói quen, thì bạn nên hỏi mình là “làm cái này thì nó có phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mình không, có giúp mình phát triển không?

Nếu tin rằng công việc này giúp phát triển định hướng nghề nghiệp của mình thì anh làm.

Theo kinh nghiệm của anh, anh chưa bao giờ đòi hỏi công ty cái gì. Nhưng công ty thường có khen thưởng và thăng tiến cho anh nhiều hơn cái anh nghĩ.

Tiểu sử

  • Nguyễn Minh Thắng

Sau khi du học tại Đại học Quốc gia Singapore, anh Thắng ở lại Singapore làm việc ở NCS Group với vai trò System Analyst trong 1 năm rưỡi. Sau đó, anh làm ở CrimsonLogic với chức vụ System Analyst trong gần 3 năm tiếp theo.

Năm 2008, anh về Việt Nam làm Project Manager cho Pyramid Consulting rồi thăng tiến lên dần để thành Programs Director trong vòng 6 năm rưỡi. Trong gần 2 năm gần đây, anh cống hiến cho Open Digital với vai trò General Manager.

  • Lê Trường Vĩnh Phú

Bắt đầu làm Back end Web Developer tại một công ty outsourcing của Pháp khoảng 1,5 năm trước khi tốt nghiệp lớp tài năng đại học Bách Khoa Hồ Chí Minh.

Rời trường đại học năm 2010, anh sang Singapore làm Research Assistant tại đại học NUS (National University of Singapore). Đến năm 2011 thì đầu quân cho Knorex.

Đến tháng 7 năm 2013, anh Phú trở về Việt Nam mở chi nhánh và làm Country Manager của Knorex tại Việt Nam.

Nếu bạn nghĩ những chia sẻ này có thể giúp ích cho bạn bè hoặc đồng nghiệp, đừng quên nhấn nút Share bên dưới nhé!

ITviec Robby

Xem thêm việc làm Managerviệc làm Developer tại ITviec.