Game blockchain là một trong những từ khóa “hot” nhất hiện nay không chỉ trong ngành IT mà còn nhận được sự quan tâm của những người chơi, nhà đầu tư ngoài ngành. Đứng từ khía cạnh là dân IT, chủ yếu vì ngành này có mức lương IT hấp dẫn, Developer cần chuẩn bị những gì để tham gia vào trào lưu game blockchain?

Để giải đáp mọi thắc mắc về game blockchain là gì, vì sao dân IT cần quan tâm, Developer cần những kỹ năng gì để phát triển game blockchain, ITviec đã có buổi trò chuyện với anh Nhàn CaoCTO @ Skrice Studio – Nhà phát hành game blockchain Mavia.

Game blockchain là gì?

1. Game blockchain là gì?

Game blockchain là sự kết hợp giữa game truyền thốngcông nghệ blockchain. Thừa hưởng ưu điểm của công nghệ blockchain, game blockchain giúp người chơi tận hưởng game play tuyệt vời và có khả năng sở hữu item (vật phẩm) trong game vĩnh viễn cũng như khả năng quy đổi thành tiền mặt ở thực tế. Có thể nói, việc chơi game blockchain cũng là một hình thức đầu tư.

Một trong những game blockchain đầu tiên chính là “Game con mèo” – Crypto Kitties. Với game này, người chơi cần bỏ một “số vốn” ban đầu để mua mèo, nuôi mèo, sau đó lai giống để đẻ ra mèo con, rồi bán mèo. Nếu lai được giống mèo quý thì sẽ bán được nhiều tiền.

Game blockchain có thể chạy hoàn toàn trên blockchain nhưng sẽ bị giới hạn về ý tưởng, cách triển khai và tốn kém chi phí khi chơi game do phải thực hiện giao dịch on-chain. Để giải quyết vấn đề đó, nhà phát hành game thường kết hợp cả hai: phần thanh khoản sẽ trên blockchain (on-chain) và phần giải trí game sẽ là off-chain.

Tham khảo thêm: Blockchain là gì? Nghề lập trình Blockchain là nghề “hốt bạc”?

Những game blockchain nổi tiếng có thể kể đến như: Axie Infinity (Ronin, ETH), Illuvium (ETH, IMX), Crypto Kitties (ETH), Gods Unchained (ETH, IMX), My Defi Pet (BSC, Kardia Chain),…

Một điểm thú vị khác của game blockchain chính là cộng đồng là người “nắm giữ” game, khác với game truyền thống là nhà phát hành mới là người quản lý tất cả mọi thứ. Nhiều game blockchain khi tiến hành thay đổi một tính năng nào đó, họ cần phải thực hiện biểu quyết để thấu hiểu và hiện thực hóa mong muốn của cộng đồng.

Anh Nhàn chia sẻ rằng: “Đối với game blockchain, người nắm giữ càng nhiều tài sản game thì ý kiến của họ càng dễ được xem xét hơn. Người đó có thể là bất kỳ ai, không nhất thiết phải là nhà phát hành.

2. Token là gì? NFT là gì?

Khi nhắc đến game blockchain, người chơi cần làm quen với hai thành phần chính:

  • Token

Token chính là đơn vị “tiền tệ” chính trong game blockchain, hay còn gọi là tiền ảo trong game.

Người chơi có thể mua token từ đơn vị phát hành game trong thời gian gọi vốn với giá rẻ, số lượng token này giới hạn số lượng, hoặc mua token sau khi TGE (Token Generation Event) ở các sàn giao dịch CEX (Centralized Cryptocurrency Exchanges – Sàn giao dịch tập trung) hoặc DEX (Decentralized Exchange – Sàn giao dịch phi tập trung) với giá cạnh tranh theo thị trường, hoặc nhận thêm token trong quá trình chơi game như một phần thưởng, thường không giới hạn và phụ thuộc vào từng thử thách trong game.

Token thường được quy định bằng một loại đồng tiền điện tử mà game blockchain được phát triển dựa trên đồng tiền đó. Đa số tất cả dự án crypto đều vận hành một hoặc nhiều tài sản riêng chứ không dùng lại coin hay tài sản của dự án khác (không cùng hệ thống).

Để sở hữu token trong game, người chơi cần phải sở hữu một ví điện tử phù hợp với mạng blockchain triển khai game. Tiếp đến mua token từ DEX hoặc mua và chuyển từ CEX về ví cá nhân. Sau đó người chơi phải thực hiện nạp token vào game thông qua Bridge để hệ thống ghi có trong tài khoản in-game.

  • NFT:

NFT là viết tắt của cụm từ “Non-fungible token” (tạm dịch: Tài sản không thể thay thế). Ở trong game blockchain, NFT thường là những đối tượng trong game, có thể là nhân vật chính hoặc phụ, là voucher, là chứng nhận, mà người chơi cần phải dùng token để mua.

NFT thường sẽ được mở bán cho tất cả người chơi, không cần thỏa điều kiện đặc biệt nào.

Ví dụ: Khi bạn chiến thắng một thử thách ở game truyền thống, bạn sẽ nhận được một vật phẩm ảo, nhưng với game blockchain, người chiến thắng sẽ nhận được NFT hoặc Token có giá trị thật.

3. Game blockchain và GameFi có phải là một?

Khi nhắc đến game blockchain, nhiều người thường nghĩ ngay đến thuật ngữ “GameFi”. GameFi là một từ ghép giữa “game” và “finance” để chỉ những game blockchain được phát triển hướng đến mục đích finance cho game. GameFi được vận hành dựa trên mô hình DeFi (Decentralized Finance – Tài chính Phi tập trung) – một ứng dụng khác của công nghệ blockchain.

Còn game sử dụng công nghệ blockchain cho dù có hướng đến mục đích finance hay không, thì vẫn là game blockchain.

Vì vậy, có thể hiểu nôm na là mọi GameFi đều là game blockchain, nhưng không phải game blockchain nào cũng là GameFi.

game-blockchain-la-gi-02

Anh Nhàn chia sẻ thêm về GameFi và game blockchain: “Do khi nhắc đến công nghệ blockchain, mọi người thường nghĩ đến lĩnh vực tài chính đầu tiên nhưng tài chính chỉ là một trong những ngành áp dụng công nghệ blockchain, không phải tất cả.

4. Các tính chất của game blockchain

  • Tính phân tán: Game blockchain mang tính chất phi tập trung, đây là tính chất riêng của công nghệ blockchain về mặt dữ liệu. Thay vì thuộc sự kiểm soát tập trung của một máy chủ như game truyền thống, giao dịch tài sản của game blockchain lại được lưu trữ an toàn trên mạng blockchain, phân tán giữa tất cả các người chơi, không thuộc sở hữu của bất kỳ máy chủ nào.
  • Tính minh bạch: Tính minh bạch cũng là một trong những tính chất riêng của công nghệ blockchain. Các giao dịch trên mạng blockchain là công khai và không thể sửa đổi. Ai cũng có thể theo dõi và kiểm tra tính đúng đắn của nó.
  • Tính an toàn: Dữ liệu blockchain không thay đổi được, hạ tầng vững chắc. Đồng thời, dữ liệu không được lưu trữ duy nhất chỉ trên một máy chủ mà phân tán khắp nơi với đội ngũ miner/validator to lớn nên rất khó bị tin tặc tấn công. Với các mạng lớn như Bitcoin hay Ethereum, việc tấn công là không thể.
  • Tính kinh tế: Tính kinh tế của game blockchain được thể hiện ở chỗ game blockchain cần phải có một “đồng tiền ảo” nhưng có giá trị quy đổi thành tiền mặt thật. Người chơi nạp token vô ban đầu như một khoản đầu tư, sau khi chơi thắng thì được thưởng token, và người chơi có thể bán token lấy tiền mặt theo một “mệnh giá” được quy định. Nhà đầu tư cũng có thể khai thác token ở nhiều hình thức khác nhau để kiếm lời như trading, holding, staking.

5. Người chơi khi tham gia game blockchain cần thỏa những yêu cầu nào?

Nếu như chỉ là game thông thường, người chơi không cần phải suy nghĩ về những thứ ngoài game mà chỉ tham gia game như một kênh giải trí đúng nghĩa, nhưng với game blockchain lại khác. Với nhiều người chơi, game blockchain được xem là một kênh đầu tư có khả năng sinh lời cao nên mỗi người chơi cũng được xem là một nhà đầu tư tài chính thực thụ.

game-blockchain-la-gi-03

Trước khi bước vào thế giới đầu tư này, người chơi cần chuẩn bị cho mình những điều sau:

  • Kiến thức cơ bản về blockchain là gì.
  • Tìm hiểu kỹ pháp lý, nhà đầu tư, nhà phát triển của dự án game blockchain. Đây là một bước rất quan trọng để người chơi có thể tránh được những dự án lừa đảo.
  • Thiết lập ví điện tử riêng trước khi vào game. Đây sẽ nơi “chứa” tài sản của người dùng. Người chơi sở hữu loại ví nào còn phụ thuộc vào “mạng” blockchain của game đó, ví dụ như ví Bitcoin hay ví Ethereum. Điều đặc biệt là bạn có thể dùng chung ví này cho tất cả những game xài chung mạng này.
  • Và cuối cùng chính là “tiền”. Đa phần game blockchain đều phải mất phí ban đầu dùng để mua NFT và Token trong game. Người chơi có thể xem đây như là vốn đầu tư bỏ ra ban đầu.

Cách phát triển một Game blockchain

1. Các đội ngũ tham gia vào quá trình làm game

Để phát triển một game blockchain hoàn chỉnh, đội ngũ phát triển cần có ít nhất những vị trí sau:

  • Team Game: Phụ trách về việc phát triển game, như viết document đặc tả thiết kế game play, tạo nên resource của team art.
  • Team Art: Bao gồm cả Game Artist chuyên vẽ và Game Designer chuyên thiết kế, viết document.
  • Team dApp (App): Phát triển chương trình, công cụ, website và những sản phẩm nằm trong hệ sinh thái như: ứng dụng nạp tiền, rút tiền, stock token lấy lãi, buôn bán tài sản trong game,…
  • Team DevOps: Phụ trách triển khai, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định.

2. Các bước phát triển game blockchain

Theo anh Nhàn, để phát triển một game blockchain cũng không khác game truyền thống là bao, nhưng nếu bạn muốn tạo một game blockchain với tư cách là nhà phát hành thì bạn cần lưu ý 7 bước sau:          

Bước 1. Lên ý tưởng: Xác định tên gọi, thể loại game, “mường tượng” cơ bản nhất về trò chơi, đưa ra những dự án tham khảo, liệt kê USP (Unique Selling Points – tạm dịch: Lợi điểm bán hàng độc nhất) có thể thu hút người chơi.

Bước 2. Thiết kế khung sườn gameplay: Xác định được những yếu tố sau:

  • Giá trị cốt lõi của game hay trả lời câu hỏi rằng người chơi cảm nhận được gì, điều gì giữ chân người chơi;
  • Đối tượng người chơi là ai;
  • Môi trường triển khai;
  • Thiết kế độ khó của thử thách;
  • Thiết kế động lực thu hút người chơi mới;
  • Thiết kế mô hình kinh tế trong game;

Những nhà đầu tư thường sẽ nhìn vào document thiết kế game để đánh giá được tiềm năng của game rồi đưa ra quyết định có đầu tư hay không.

Bước 3. Giải quyết bài toán kinh tế: Bất kỳ game nào muốn phát triển bền vững thì cần phải có lợi nhuận, vậy thì làm sao để game có lời? Nguồn vốn đầu tư cần phải phân chia như thế nào, chi tiêu như thế nào?,…

Bước 4. Trong quá trình phát triển game thì cần phải xây dựng cộng đồng và xúc tiến Marketing từ từ, không đợi game xong rồi mới làm vì mình cần phải có lượng người chơi sẵn có khi launch game.

Bước 5. Release NFT trước, nhà phát triển sẽ không mất tiền ban đầu. Người chơi mua thì nhà phát hành sẽ có thêm vốn để làm những việc khác. Họ có thể lấy tiền đó tạo cung ứng cho token.

Bước 6. Release token.

Bước 7. Release game ra thị trường.

3. Kiến thức cần biết

Anh Nhàn chia sẻ rằng điểm thú vị ở việc phát triển game blockchain chính là bạn cần kiến thức kinh tế rất vững vì với game truyền thống, mô hình kinh tế trong game chỉ mang ý nghĩa “ảo” thì với game blockchain, kinh tế lại mang giá trị “thật”, ảnh hưởng rất lớn đến người chơi.

Vị trí yêu cầu kiến thức kinh tế vững là Game Product Owner, Game Designer vì đây là hai vị trí sẽ trực tiếp thiết kế mô hình kinh tế cho game. Không chỉ làm việc với đội ngũ phát triển, Game Product Owner và Game Designer còn cần tiếp thu, đúc kết lời khuyên từ những nhà đầu tư lớn để thiết kế economy trong game phù hợp.

Ngoài ra, một điểm lưu ý về mặt kiến thức cần thiết với đội ngũ phát triển game blockchain nữa chính là team App. Đội ngũ App cần sở hữu kiến thức về blockchain, hiểu biết về các mạng để phát triển ví điện tử để người chơi có thể nạp/rút tiền dễ dàng, ví dụ như mạng Ethereum, mạng Solana thì nên nạp tiền, rút tiền như thế nào, các phương án, giải pháp bảo mật và phòng vệ…

Team Art và Team Game thì cần có kiến thức phát triển game tương tự như game truyền thống, ngoài ra cần nắm bắt thêm xu hướng trải nghiệm người dùng ở các game blockchain khác để tối ưu cho sản phẩm.

4. Tố chất cần thiết khi phát triển game blockchain

Yếu tố quan trọng nhất mà anh Nhàn nhấn mạnh là tính cẩn thận.

Nếu gặp bất kỳ lỗi gì về mặt dữ liệu trên blockchain thì sẽ rất khó để khắc phục hậu quả ngay lập tức. Blockchain là công nghệ mở, công khai nên bất kỳ ai cũng có thể soi mói để tìm ra lỗ hổng. Chẳng những thế, bất kỳ trường hợp nào liên quan đến tiền cũng đều phải cẩn thận. Chính vì thế, nhà phát triển luôn phải cẩn thận kiểm tra kỹ, chạy test, mô phỏng kỹ trước khi triển khai lên mạng chính. 

Nhà phát triển luôn phải có các kế hoạch dự phòng, các cơ chế khẩn cấp để không bị động khi trường hợp xấu xảy ra. Ví dụ:

  • On-chain: cho phép khóa giao dịch trên smart contract, giới hạn số lượng giao dịch, contract được thiết kế cho phép nâng cấp, phân quyền phải được kiểm tra thường xuyên.
  • Off-chain: thêm thời gian delay cho các giao dịch liên quan gửi nhận, thêm nhiều lớp bảo mật như 2FA, email, SMS. Tự động khóa tài khoản theo mức độ dựa các hoạt động bất thường hoặc thay đổi các phương thức xác thực, mật khẩu,…

Để rèn luyện tính cẩn thận, nhà phát triển tuyệt đối không nên bỏ bước trong quy trình phát triển sản phẩm, đặc biệt là bước kiểm thử và luôn thiết kế sơ đồ giải pháp để làm cho bài bản, tổng quát. Nhà phát triển cũng cần thay đổi cách thức tiếp cận vấn đề và thực hành theo thứ tự ưu tiên sau: cẩn thận > chính xác > tốc độ.

Tài liệu phát triển Game blockchain tham khảo

Anh Nhàn gợi ý nhiều đầu sách tham khảo cho người mới tìm hiểu về blockchain:

  1. Cryptocurrency Investing For Dummies
  2. The Basics of Bitcoins and Blockchains
  3. Game Programming Patterns

Theo anh Nhàn gợi ý, tự học là phương thức học tốt nhất. Blockchain cũng được xem là công nghệ mới nên khoảng cách từ nền tảng đầu tiên đến hiện tại không quá xa, có thể tạo cơ hội cho tất cả những ai vừa “gia nhập” thị trường blockchain.

Đồng thời, Developer thường sở hữu kỹ năng tự học và tìm hiểu cái mới tốt hơn nên việc học một công nghệ mới cũng không quá khó.

Thị trường tuyển dụng Game blockchain ở Việt Nam

1. Thị trường game blockchain ở Việt Nam

Anh Nhàn chia sẻ: “Việt Nam đang là một trong những quốc gia nắm bắt trào lưu tốt, làm chủ được công nghệ blockchain và thậm chí là một trong những quốc gia dẫn đầu xu hướng blockchain nói chung, không phải chỉ riêng với game thôi.

Nhờ vậy, nhiều nhà đầu tư, quỹ lớn trên thế giới có góc nhìn khác về kỹ thuật blockchain của Việt Nam. Từ đó, các dự án game blockchain do công ty nước ngoài đầu tư và do đội ngũ Việt Nam phát triển ngày càng nhiều hơn, tạo được nhiều cơ hội việc làm cho chuyên gia IT Việt Nam.

2. Cơ hội việc làm game blockchain ở Việt Nam

Game blockchain là một thị trường vô cùng sôi động, chủ yếu là ở nước ngoài nên các dự án game blockchain hiện nay ở Việt Nam đa phần là rót vốn từ nước ngoài nên phần đông “đồng đội” tham gia vào dự án cũng là người nước ngoài. Ví dụ như team Marketing thì sẽ nhiều người nước ngoài, còn team Dev sẽ một nửa nước ngoài và một nửa Việt Nam.

Dựa theo “Báo cáo Lương IT: Mức Lương & Mong Đợi Nghề Nghiệp Của Các Chuyên Gia IT 2022-2023” do ITviec tiến hành khảo sát với 1257 chuyên gia IT tại Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy mức lương cho ngành Game Developer vô cùng hấp dẫn tại Việt Nam hiện nay như:

Vị trí Số năm kinh nghiệm Mức lương trung vị
Game Developer Từ 1 đến dưới 3 năm 22 triệu đồng
Từ 3 đến dưới 5 năm 28.5 triệu đồng
Từ 5 năm đến dưới 8 năm 32 triệu đồng
Trên 8 năm 51 triệu đồng

Song song với đó, mức lương dành cho những chuyên gia IT trong ngành Blockchain cũng “đáng nể” đấy:

Ngành Tỉnh thành Mức lương trung bình
Blockchain Hà Nội 36.5 triệu đồng
Đà Nẵng 38 triệu đồng
TP. HCM 41 triệu đồng
Game Hà Nội 27.3 triệu đồng
Đà Nẵng 33 triệu đồng
TP. HCM 28.2 triệu đồng

Tham khảo đầy đủ tất cả mức lương ngành công nghệ thông tin với “Báo cáo Lương IT: Mức Lương & Mong Đợi Nghề Nghiệp Của Các Chuyên Gia IT 2022-2023”.

Xem việc làm Game Developer trên ITviec

Xem việc làm Tester trên ITviec

Xem việc làm Product Owner trên ITviec

Game blockchain developer trong ngành IT nói gì?

Khi được hỏi về ý kiến “Người chơi đến với game blockchain chủ yếu là để kiếm tiền nên không cần phải thiết kế game play quá hay mà chỉ cần tập trung vào mục đích Finance?”, anh Nhàn chia sẻ rằng:

“Ý kiến trên đúng nhưng chưa đủ. Người chơi có thể đến với game blockchain vì yếu tố kinh tế, nhưng sẽ ở lại với game nhờ vào yếu tố game play.

Nếu mình bỏ yếu tố blockchain ra thì game sẽ trở thành game truyền thống và vẫn sẽ có người chơi nếu game play hay. Còn nếu mình bỏ yếu tố game ra khỏi game blockchain thì vốn dĩ công nghệ đó không mang lại ý nghĩa gì cho người chơi cả vì game mới là phần giá trị cốt lõi phát huy tính kinh tế trên blockchain.”

game-blockchain-la-gi-04

Anh nhận định thêm rằng yếu tố game play và kinh tế sẽ và nên hỗ trợ cho nhau. Bởi vì nếu game không hay thì sẽ chẳng ai chơi lâu, và nếu không có người chơi thì game sẽ chẳng có thu nhập nên nhà phát triển game vẫn sẽ mong muốn tạo ra những game play thật hay để thu hút nhiều người chơi.

Người chơi trả phí cho nhu cầu giải trí, lợi nhuận từ game được chia sẻ trực tiếp hoặc gián tiếp lại cho những người ủng hộ nhà phát hành qua việc nắm giữ token. Ngoài ra nếu chỉ khai thác chi phí từ người dùng cho nhu cầu giải trí sẽ không đủ để trả thưởng và vận hành lâu dài, nhà phát hành game cần thiết kế các nguồn thu khác như cơ chế đặt quảng cáo.

Tham khảo thêm: Bạn có muốn trở thành một Game Developer thành công?

Tổng kết

Với những thông tin thú vị và hữu ích về game blockchain được chia sẻ bởi anh Nhàn Cao, ITviec mong bạn hiểu rõ thêm về game blockchain nói chung, nghề game blockchain developer nói chung và định hướng được một lộ trình sự nghiệp rõ ràng.

Thông tin về anh Nhàn Cao

Nhàn Cao (nhancv) là một nhà thiết kế giải pháp, có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành phát triển phần mềm. Trong đó có 7 năm kinh nghiệm làm các dự án về blockchain (2015-2022).

Trong suốt thời gian đó, anh đã hiểu rõ quy trình phát triển sản phẩm từ khâu ý tưởng, thiết kế giải pháp, thi công, kiểm thử, triển khai vận hành và bảo trì thông qua nhiều vị trí khác nhau từ Developer Mobile, Backend, Fullstack, Researcher, Solutions Architect, Leader, Manager, CTO, Co-founder.

Hiện tại, Nhàn đang là CTO tại Skrice Game Studio – Một công ty startup game có trụ sở tại Hà Nội được thành lập vào giữa năm 2021.

robby-2

Bạn thấy bài viết hay và cần thiết với nhiều người? Đừng ngại nhấn nút Share bên dưới nhé.

Và đừng quên tham khảo việc làm IT trên ITviec!